Mặc dù không sôi động như trước kia, nhưng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, không khí sản xuất tại các làng nghề truyền thống cũng tất bật hơn ngày thường, ai cũng mang theo sự kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng cao khi tết gần kề… Và các bếp lò của làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, TPLX cũng bắt đầu đỏ lửa ngày đêm để giao các đơn hàng cho kịp tết. Đây là mùa vui nhất trong năm của những người thợ từng gắn bó với nghề bánh tráng truyền thống hàng chục năm qua.
Nằm trên ngọn Rạch câu Quảng, thuộc ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, bánh tráng Mỹ Khánh được nhiều người biết đến bởi đây là làng nghề truyền thống được hình thành và duy trì đến nay đã trên 70 năm. Tuy ngày nay không còn đông như những ngày đầu, chỉ còn hơn 07 hộ gia đình vẫn duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên. Nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp Tết thì nơi đây lại rộn ràng hơn hẳn. Tiếng nói cười cùng với những hàng vỉ bánh tráng phơi mình dưới nắng trải dài từ đầu ngõ báo hiệu 1 mùa xuân mới lại về với làng nghề.
Gần một tháng qua, những lò bánh tráng Mỹ Khánh ngày nào cũng tỏa khói liên tục. Bên bếp lò đỏ hừng hực, đôi tay của người phụ nữ tráng bánh vẫn thoăn thoắt cho bột lên khuôn là một tấm vải phẳng căng trên miệng nồi; sau đó, bột được trải đều thành hình tròn trên tấm vải, rồi đậy nắp lại. Chỉ trong chốc lát, hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, người thợ tráng bánh lại khéo léo dùng đũa tre lấy bánh ra trải lên vỉ rồi đem phơi nắng. Bánh tráng Mỹ Khánh tuy không được đánh giá cao như những loại bán ở siêu thị lớn nhưng lại được yêu thích và có sức tiêu thụ mạnh ở các chợ. Trung bình mỗi hộ cung cấp ra thị trường khoảng 1000 cái bánh, còn vào dịp Tết số lượng tăng lên gấp 3 đến 4 lần tùy vào từng loại nên thời điểm này ai cũng tranh thủ tăng gia sản xuất.
Những người thợ nơi đây, đa phần có thâm niên gắn bó với nghề truyền thống làm bánh tráng từ hai thế hệ trở lên, họ quen thuộc với bếp lửa, sân phơi như thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Nhưng khi trở lại thực tế thì nghề này không thể đem lại thu nhập kinh tế chính, chỉ có thể làm để vừa lưu giữ nghề truyền thống không bị mai một vừa tăng thu nhập thêm cho gia đình, đây là lý do vì sao thợ chính của nghề tráng bánh đa phần là các bà, các chị… Bánh tráng Mỹ Khánh được ưa chuộng là loại bánh tráng mặn thường sử dụng cho các món ăn hàng ngày. Và nổi tiếng nhất là loại bánh tráng ngọt được chế biến từ nước cốt dừa và mè rang vàng ươm, tạo nên những chiếc bánh dẻo thơm. Tuy nhiên, để đa dạng và tạo hướng đi mới, hiện nay các hộ sáng tạo thêm loại bánh tráng ớt mới với nhiều nguyên liệu bắt mắt, thơm ngon được thị trường đón nhận.
Dẫu qua bao thăng trầm, người dân làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh vẫn ngày ngày đốt lò nhóm lửa, xay bột, tráng bánh… bền bỉ đi cùng năm tháng. Bằng tình yêu nghề và với mong muốn giữ nghề truyền thống, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực duy trì với món bánh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống nông thôn, mang đến hương vị đặc trưng cho ngày tết mà còn giúp tăng thu nhập kinh tế. Về với Làng nghề Bánh tráng Mỹ Khánh vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025, chúng ta cảm nhận như mùa xuân đã về bên hiên nhà của nhiều gia đình nơi đây. Màu trắng của những phên bánh tráng trước sân nhà, trên những con đường… dưới nắng xuân như chào đón tết đến với muôn nhà và mang theo niềm hy vọng của những người thợ nơi đây có thêm một năm mới sung túc và đủ đầy hơn./.