“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025

An toàn thực phẩm là yếu tố thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống và hàng quán thức ăn đường phố vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm “Tháng  hành động vì an toàn thực phẩm”  năm 2025 được tổ chức trên toàn quốc với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”

Đây là dịp để tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm cho cộng đồng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội. Kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt là:

Người quản lý: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh, nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện chế biến và bảo quản thực phẩm; không sử dụng phụ gia, hóa chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; đảm bảo nguồn nước sạch, dụng cụ chế biến hợp vệ sinh.Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thói quen, lề lối mất vệ sinh, nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Người tiêu dùng, cần kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn kiểm tra thông tin bao bì, hạn sử dụng; chủ động tố giác các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Khi phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm, hãy mạnh dạn tố giác đến cơ quan chức năng. Chỉ bằng những hành động thiết thực, chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng./.

 

Đỗ Thị Cẩm Xuyên Trạm Y Tế Mỹ Bình