Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang, là đô thị trẻ, năng động nằm bên bờ Tây sông Hậu (Hậu Giang), có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng trong hệ thống các đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được Chính phủ công nhận là đô thị loại III vào năm 1999 (Nghị định số 09-NĐ/CP ngày 01/3/1999); đô thị loại II vào năm 2009 (Quyết định số 747/QĐ-TTg, ngày 14/4/2009) và đô thị Loai I trực thuộc tỉnh An Giang vào năm 2020 (Quyết định số 1078/QĐ-TTg, ngày 23/7/2020). (Đọc tiếp)
Thành phố Long Xuyên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tạo 02 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Cách thủ đô Hà Nội 1950 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 189 km về phía Tây Nam, cách biên giới Campuchia 55 km.
- Tây Bắc giáp huyện Châu Thành, đường ranh giới dài 12,446 km.
- Đông Bắc tiếp giáp với huyện Chợ Mới.
- Tây giáp huyện Thoại Sơn với chiều dài đường ranh giới là 10,054 km.
- Nam giáp quận Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ.
Long Xuyên là thành phố loại I thuộc tỉnh An Giang, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 115,36 km2, dân số 286.287 người, có 13 phường, xã (trong đó có 11 phường và 2 xã).
Nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu, bắc giáp huyện Châu Thành, Nam giáp huyện Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ), Đông giáp huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và huyện Chợ Mới, Tây giáp huyện Thoại Sơn, có Cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) nằm giữa dòng sông Hậu quanh năm cây trái xanh tươi, phong cảnh hữu tình, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.
Trong tiến trình lịch sử của An Giang, Long Xuyên luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa; dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Long Xuyên là một trong những nơi có phong trào đấu tranh kiên cường của đồng bào đô thị. Nơi trung tâm đầu não của địch, nhưng vẫn hình thành một vùng căn cứ cách mạng xã Mỹ Khánh anh hùng và đội vũ trang đánh địch ngay tại sào huyệt của địch, đó là Đội Biệt động Long Xuyên.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XVIII, khi lưu dân người Việt bước chân đến vùng đất An Giang khẩn hoang lập ấp, thì vùng đất Long Xuyên vẫn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm. Năm 1757, tuy chúa Nguyễn lập đạo Châu Đốc ở Hậu Giang nhưng lưu dân người Việt không dám đến ở, lúc đầu chỉ là những đồn trại đóng rải rác và một ít xóm người Việt phần lớn là binh lính. Để tự túc lương thực, họ tiến hành khai phá đất đai chung quanh đồn, rồi dần dần về sau dân chúng đã tự động vào sinh cơ, lập nghiệp ở vùng đất mới, lúc đó chưa có sự cai quản nào của nhà cầm quyền. Đến năm 1780, vùng đất Long Xuyên mới có người Việt đến khai hoang, lập làng, đầu tiên là Châu Trấn Ba (cù lao Ông Hổ). (Đọc tiếp)