Sau 50 năm giải phóng, các địa phương trên địa bàn thành phố Long Xuyên đã có sự đổi thay mạnh mẽ, trở thành những vùng đất phát triển năng động và hiện đại. Từ những vùng quê nghèo khó, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, hôm nay Long Xuyên đã khoác lên mình một diện mạo mới, với hạ tầng khang trang, nền kinh tế phát triển đa dạng, và đời sống người dân không ngừng cải thiện. Những thay đổi này không chỉ là minh chứng cho nỗ lực vượt qua khó khăn mà còn phản ánh khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng nơi đây trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Là một xã cù lao nghèo nằm giữa dòng sông Hậu, trước đây Mỹ Hòa Hưng từng đối mặt với muôn vàn khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu thốn mọi mặt với “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không cơ sở y tế. Thế nhưng, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm đổi thay, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng đã cùng nhau nỗ lực vượt khó, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 50 năm giải phóng, Mỹ Hòa Hưng đã có bước chuyển mình đầy ấn tượng. Từ một vùng đất nghèo khó, nay xã đã vươn lên trở thành địa phương có hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ; điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp. Kinh tế địa phương phát triển đa dạng, phát huy thế mạnh trong du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhà cửa khang trang, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 80 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,11%. Đặc biệt, Mỹ Hòa Hưng đang háo hức chuẩn bị đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển toàn diện và bền vững - xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Cũng là một trong những địa phương được thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phường Mỹ Phước dần chuyển mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng với vị trí địa lý thuận lợi đến nay, phường Mỹ Phước đã hình thành nhiều khu đô thị mới, trường học, bệnh viện và nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị, ngân hàng mọc lên.
Điểm nhấn lớn nhất chính là Hạ tầng giao thông được thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều công trình, dự án được hình thành. Trong đó, đáng ghi nhận địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường, cây cầu hợp với ý đảng, lòng dân. Các hoạt động văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, qui mô giáo dục phát triển, mạng lưới trường lớp được mở rộng và kiên cố hóa, hiện địa phương đã có 4/4 trường đạt chuẩn quốc gia; 1 trạm y tế. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo đối tượng chính sách, người có công,… được chú trọng. Các chủ trương hỗ trợ nhà ở cho hộ khó khăn về nhà ở được đẩy mạnh triển khai, thực hiện,…từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Mỹ Phước vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống và chú trọng vào đời sống văn hóa – tinh thần của người dân. Các lễ hội, phong tục tập quán được gìn giữ và phát huy, tạo nên một bản sắc riêng đậm đà tình quê giữa lòng đô thị hiện đại. Chứng kiến sự thay đổi của địa phương mình từ khi thành lập đến nay.
Ông Huỳnh Văn Tiết, ngụ khóm Đông Thịnh 9, phường Mỹ Phước cũng bày tỏ: “tôi sống ở đây mấy chục năm, thấy rõ từng bước chuyển mình của phường. Ngày xưa đi lại khó khăn, đường xá nhỏ hẹp, nay thì đường thông hè thoáng, con cháu đi học, đi làm đều thuận tiện. Người dân chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương”.
Với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, chặng đường 50 năm từ sau giải phóng, mỗi người con Long Xuyên không khỏi tự hào và thêm yêu mến mảnh đất đã vươn lên từ gian khó, tiếp tục viết nên những trang sử mới đầy hứa hẹn cho tương lai. Và tin rằng, với những thành tựu và kinh nghiệm hiện có trong quá trình đổi mới, các địa phương trên địa bàn TPLX sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu xây dựng Long Xuyên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang và là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu./.