Long Xuyên với nhiều sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Thời gian qua, TP.Long Xuyên đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu riêng của từng địa phương; đặc biệt huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập người dân, đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, đưa chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hiệu quả và bền vững.

Với lợi thế là xã nông nghiệp, Mỹ Hòa Hưng đã và đang triển khai thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tạo sức bật trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm để đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Mỹ Hòa Hưng đã có 1 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên đó là Sa tế Thái Hòa, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm… Hiện nay, xã đang hoàn thành thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên đối với các sản phẩm khô cá điêu hồng và mật sơ ri.

Đối với xã Mỹ Khánh hiện có 05 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” gồm trà hoa đậu biếc; Siro Atiso và nước cốt, rượu, mứt dâu tằm. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao thu nhập của người dân, là một trong những “đòn bẩy” giúp xã Mỹ Khánh đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cuối 2024. 

Trong đó, vườn dâu Hai Thuận, ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh với những sản phẩm chế biến từ dâu tằm được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Mỹ Khánh đã và đang được nhiều người biết đến trong những năm qua. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, với 3.000m2, vườn dâu được xử lý luân phiên cho trái 3 vụ 1 năm để phục vụ du lịch sinh thái và kinh doanh các sản phẩm rượu dâu, mật dâu, nước dâu tươi… sau khi trừ chi phí vườn dâu cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay, TP.Long Xuyên có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 03 sản phẩm đề xuất 4 sao và 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ thủ công mỹ nghệ. Mỗi dòng sản phẩm đều mang tính đặc trưng riêng của từng địa phương như: sirô Atiso đỏ, trà hoa đậu biếc, nước cốt dâu tằm, rượu dâu tằm, mứt dầu tằm của xã Mỹ Khánh; Sa tế Thái Hòa, xã Mỹ Hòa Hưng; tranh lá bồ đề nghệ thuật, phường Mỹ Hòa… 

Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm tại một số địa phương sau khi có sản phẩm OCOP được công nhận đã có dấu hiệu chững lại, chưa tích cực rà soát các sản phẩm tiềm năng hiện có để vận động, tuyên truyền chủ thể của sản phẩm tham gia chương trình. Thời gian tới, TP.Long Xuyên tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát các sản phẩm trên địa bàn, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và đủ điều kiện để đăng ký tham gia Chương trình. Đối với các địa phương có sản phẩm được công nhận OCOP đã hết thời hiệu thì tiếp tục vận động, tuyên truyền các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì và thiết lập hồ sơ công nhận lại. Định hướng cho các chủ thể phát triển sản phẩm ý tưởng gắn với làng nghề truyền thống, các sản phẩm tiềm năng mang tính đặc trưng của địa phương để tham gia Chương trình OCOP.

Có thể nói, việc thực hiện các sản phẩm OCOP giúp các chủ thể thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường. Đồng thời, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm, giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Hồng Đào