Từ sau khi được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” vào năm 2015 và năm 2020 xã Mỹ Hoà Hưng được tỉnh công nhận “Xã NTM nâng cao” từ đó bộ mặt nông thôn của địa phương được nâng lên rõ rệt. Việc xây dựng xã Mỹ Hòa Hưng thành xã nông thôn mới thông minh với mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của xã hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững; có kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại; môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự xã hội đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới xã Mỹ Hòa Hưng đăng ký phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, qua rà soát, đánh giá và triển khai thực hiện 5 tiêu chí và 26 chỉ tiêu xã nông thôn mới thông minh, xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Xã đã và đang sử dụng hệ thống mạng của nhiều nhà cung cấp, phần mềm một cửa điện tử, văn phòng điện tử, thư điện tử hiện đáp ứng yêu cầu, liên thông kết nối với hệ thống của thành phố, tỉnh. Các phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý phần mềm tài sản, phần mềm tài chính kế toán, phần mềm quản lý nhân sự đáp ứng nhu cầu. Xã đã triển khai một số camera xã hội hóa, để truy xuất, theo dõi, xử lý về giao thông, an ninh trật tự, TNXH. Mạng di động (3G/4G) phủ sóng tại tất cả các địa điểm trên địa bàn, bố trí mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng như nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng, ….Trên 90% số hộ dân có sử dụng điện thoại thông minh và máy tính kết nối Internet thường xuyên; tất cả cán bộ công chức từ xã đến ấp đều sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên có kết nối Internet. Hệ thống loa truyền thanh thông minh đang hoạt động thử nghiệm, Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng được trang bị máy tính kết nối Internet, máy chiếu. Ngoài ra, đã thành lập các nhóm zalo cho UBND xã và 09 ấp để cán bộ trao đổi công việc nhóm. Tại các ấp, các đoàn thể, trường học có các group zalo, facebook… trao đổi với người dân, phụ huynh học sinh, nhà trường. Xã hiện có mô hình kinh tế sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, sản phẩm chủ lực OCOP được thực hiện giới thiệu sản phẩm và kinh doanh trên kênh thương mại điện tử; đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ Trà Mơn, duy trì và phát triển việc kinh doanh, bán hàng online, giao hàng trực tiếp tại nhà đã và đang được các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ triển khai thực hiện khá tốt. Đồng thời, Xã có các trang thông tin điện tử, zalo, facebook… thông tin sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử và thông tin các điểm, nhà hàng, món ăn đặc sản, khu du lịch trên địa bàn tạo sự kết nối, quảng bá các sản phẩm và địa điểm du lịch trên địa bàn, Hợp tác xã Mỹ Hòa Hưng có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: vườn cây ăn trái rau an toàn, chăn nuôi…. Bên cạnh đó, Trạm y tế xã đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh, Bưu điện văn hóa xã hoạt động khá tốt, trên 80% số hộ dân biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% số hộ dân được phổ biến thông tin thường xuyên (pháp luật, thông báo, hướng dẫn,...), trên 50% số hộ dân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (điện, nước, môi trường, học phí, hành chính công...), hệ thống camera giám sát an ninh tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, chợ, tuyến đường giao thông chính và khu dân cư.Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của xã vấn còn những hạn chế nhất định như: một số Camera an ninh chưa đáp ứng được truy xuất, theo dõi, xử lý khi có sự việc về giao thông, an ninh trật tự. Hệ thống loa truyền thanh hoạt động chưa bao phủ so với địa bàn xã. Chưa triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT-HSSK và hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa VNPT-vnCare, chưa có cán bộ phụ trách chuyên môn về hệ thống công nghệ thông tin. Nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế, một số bộ phận người dân có sử dụng điện thoại thông minh nhưng chưa thông thạo về công nghệ số nên chưa biết sử dụng các phần mềm để phục vụ sản xuất, kinh doanh; do thói quen của người dân chỉ sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch, nên việc vận động người dân thay đổi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn; một số thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng của ấp chưa nắm vững kỷ năng, thao tác ứng dụng nên việc tiếp thu để hướng dẫn lại các hộ dân còn hạn chế, cán bộ kiêm nhiệm chưa có kiến thức chuyên sâu và thường xuyên thay đổi vị trí công tác dẫn đến việc công chức mới phụ trách còn gặp những khó khăn nhất định.Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn xã. Tuyên truyền, phổ biến đến từng nhà, từng người dân trong xã hiểu được ý nghĩa của việc triển khai mô hình Xã nông thôn mới thông minh mang lại lợi những lợi ích thiết thực để người dân đồng tình ủng hộ với chính quyền. Quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin đã được trang bị, chuyển giao như hệ thống quản lý văn bản iOffice; hệ thống một cửa, bảo đảm việc triển khai xã nông thôn mới thông minh thống nhất, toàn diện, bám sát nền tảng dùng chung, tránh trùng lắp, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin triển khai các nền tảng, ứng dụng trong hoạt động chỉ đạo điều hành, tổ chức hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh quảng bá hình ảnh, thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử (Postmart, OCOP). Tiếp tục triển khai và phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận một cửa của xã, các khu vực tập trung đông người; thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thường xuyên cập nhật các dịch vụ hành chính lên Trang thông tin điện tử của xã phục vụ người dân và doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn./.