Tôn tạo - Trùng tu các di tích trên địa bàn

Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô giá, phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Các di tích lịch sử văn hoá còn là "tài nguyên du lịch", cả về mặt nội dung lẫn hình thức và có sức hấp dẫn mạnh mẽ với mỗi con người. Việc phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích lịch sử gắn với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị của di tích là hoạt động thường xuyên của ngành văn hóa TPLX.

Ở TP. Long Xuyên hiện có ba di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đó là: Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức ThắngĐình Mỹ Phước và Bắc Đế miếu. Những di tích lịch sử - văn hóa này là nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về trang sử hùng tráng của dân tộc, của ông cha ta, của những thế hệ đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Qua đó, ta có thể nhận thức đúng về các sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan để lưu truyền cho thế hệ sau. Cho biết thêm về hoạt động quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

Ngoài ba di tích được xếp hạng cấp quốc gia, thành phố Long Xuyên còn có 07 di tích được tỉnh xếp hạng gồm: Đình Mỹ Phước, Chùa Đông Thạnh, Di tích lịch sử cách mạng địa điểm thành lập Đội biệt động Long Xuyên, Đình Mỹ Thới, Đình Mỹ Hòa Hưng, Nhà bia Xã Mỹ Khánh ...  cũng được nhiều du khách tìm đến tham quan hàng năm. Do đó, công tác bảo tồn các di tích cũng được ngành văn hóa thành phố thường xuyên quan tâm, đặc biệt là cụm di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích lịch sử cách mạng địa điểm thành lập Đội biệt động Long Xuyên, bởi đây chính là những địa điểm mang tính giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thiết thực nhất đối với thế hệ trẻ ...

Để khai thác, phát huy giá trị của di tích đạt hiệu quả và có tính bền vững (khai thác đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mà không xâm hại đến môi trường di tích), thì việc bảo tồn và tôn vinh các giá trị di tích là công việc cần quan tâm hàng đầu. Bởi chỉ có như vậy thì mới có thể vừa bảo tồn, vừa khơi dậy và nhân lên niềm đam mê tìm hiểu di tích văn hóa lịch sử trong thế hệ trẻ.

Ngày nay, với xu thế hội nhập thì văn hóa lịch sử là nền tảng cho sự phát triển của một dân tộc. Thực tế, việc sử dụng, khai thác di tích là một hoạt động khó khăn, phức tạp. Lĩnh vực này vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa mang tính thực tiễn sinh động, đồng thời cũng là lĩnh vực mang tính xã hội cao. Nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích là việc làm vừa cấp bách, hợp lý, lâu dài để kịp thời bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi người hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa là điều hết sức cần thiết. Để từ đó mọi người có sự đồng tình hưởng ứng và cùng chung tay với cơ quan chức năng gìn giữ và phát huy các giá trị của di tích.

Có thể nói, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử – văn hóa là góp phần quan trọng trong việc bảo tồn giá trị lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống. Đây là sự trân trọng giá trị của quá khứ để vận dụng cho hiện tại và định hướng cho tương lai./. 

Trí Tâm (Đài TT.TPLX)