Ngày 6/12/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Long Xuyên triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 3.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt > 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt > 39%. Đến năm 2045, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng 4.0 và những thách thức toàn cầu khác; đặc biệt là đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cho các địa phương.
Để thực hiện mục tiêu và những chỉ tiêu cụ thể đã đề ra, Ban Thường vụ Thành ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ trương đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên, các cơ quan, doanh nghiệp và xã hội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; khẳng định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động. Đa dạng hóa, linh hoạt các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học nghề, kỹ năng nghề trong việc tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách thu hút người học; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc. Có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với quy định hiện hành và các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực, quản lý chất lượng, đề cao tính tự chủ của cơ sở, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ ba, tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông;thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động.
Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông, vừa có bằng nghề; đồng thời có điều kiện tham gia thị trường lao động, tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.
Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao; ưu tiên việc đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn; đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo.
Đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc thường xuyên kiện toàn và củng cố, sắp xếp bộ máy tinh gọn, năng động, hiệu quả, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; xác định được thế manh và đào tạo ngành, nghề, lĩnh vực trọng điểm gắn với nhu cầu thị trường lao động; phát triển đồng bộ với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tổ chức bộ máy quản lý, trang thiết bị, cơ sở thực hành phục vụ dạy và học, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngành - nghề đào tạo.
Thường xuyên nâng cấp, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật; đảm bảo kỹ năng đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo; tham gia đào tạo, kiểm tra, đánh giá kỹ năng; khai thác, sử dụng dây chuyền, thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp tạo điều kiện cho người học, nhà giáo thực hành, thực tập. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn....
Thứ năm, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp; thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.
Ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục.
Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi kỹ năng nghề các cấp. Tiếp cận và nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học. Tích cực ứng dụng các nền tảng số và hỗ trợ dạy học trực tuyến. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 192-KH/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch này, bảo đảm thực chất và hiệu quả; đồng thời chỉ đạo phối hợp đồng bộ, chăt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa các cấp, các ngành; giữa cơ quan quản lý địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động./.