Thành lập mạng lưới công nghệ số tận khóm, ấp

Với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua mạng lưới công nghệ số cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, gắn với cuộc sống của từng người dân. Thời gian qua, mạng lưới công nghệ số cộng đồng được thành lập, triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố Long Xuyên. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương, hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với chính quyền qua nền tảng số… góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, các phường, xã trên địa bàn thành phố đã thành lập 96 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các khóm, ấp. Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có khoảng 8 - 10 thành viên, trong đó Ban ngành đoàn thể, tổ trưởng dân phố, Ban khóm,  Ban ấp là lực lượng nòng cốt. Các thành viên của Tổ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, UBND xã Mỹ Hòa Hưng đã thành lập và phân công thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã, ấp với 93 thành viên. Trong đó tổ công nghệ sô cộng đồng 09 ấp có 72 thành viên trong tổ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công…  

Đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Các thành viên trong tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng Zalo. 

Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, Tổ công nghệ số cộng đồng phường Mỹ Long đã tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như: y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử... Đồng thời phối hợp tuyên truyền thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, qua đó góp phần cùng các ngành, đoàn thể trên địa bàn phường hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID... Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ người dân dân được cấp, sử dụng ứng dụng định danh điện tử đạt 69%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe đạt 65%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 75%.

Có thể thấy, mạng lưới công nghệ số tận khóm, ấp tại các địa phương trên địa bàn thành phố Long Xuyên trong thời gian qua đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số./.

Hồng Đào