Nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích sản xuất và hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Bà con nông dân trên địa bàn thành phố Long Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường… Từ đó đạt hiệu quả kinh tế cao với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Và hiện nay, một số bà con nông dân tiên phong đi đầu trồng sầu riêng hữu cơ trên diện tích sản xuất kém hiệu quả, bước đầu loại cây trồng này được bà con nông dân đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng vì chất lượng và sản lượng cho trái rất khả quan, hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng cho người nông dân trên địa bàn thành phố.
Có dịp đến tham quan mô hình sầu riêng hữu cơ của ông Trần Văn Đệ, ngụ ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi trước nay không nghĩ loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao này lại phát triển tốt và cho trái khá to trên vùng đất nơi đây. Khi chúng tôi hỏi cơ duyên nào lại đưa ông đến và gắn bó với cây sầu riêng gần 4 năm nay ông Đệ liền cho biết: Đất này trước đây ông canh tác lúa nhưng không hiệu quả vì năng suất quá thấp. Với tính chăm chỉ, tự mày mò học hỏi qua sách báo, các kênh thông tin trên mạng xã hội nên ông đã mạnh dạn trồng 0,5 héc ta, với khoảng 180 gốc sầu riêng giống Ri 6 và chỉ có vài cây Monthong. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã cho đợt trái đầu tiên với chất lượng khá tốt. Để nuôi dưỡng và dồn sức cho trái mùa sau, đợt đầu tiên ông chỉ để lại vài trái để đo lường chất lượng sản phẩm. Chất lượng trái không ngoài mong đợi, ước tính đến khi chín, trái có trọng lượng khoảng 3-5kg.Để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo thu nhập thường xuyên, ông Đệ đã cải tạo đất để trồng xen canh thêm các loại cây ăn trái khác đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình. Hiện nay, diện tích cây sầu riêng của gia đình bắt đầu cho thu hoạch ông đang tiến hành cắt bỏ dần những cây xen canh khác để tập trung phát triển cây sầu riêng. Theo kinh nghiệm của ông, muốn có năng suất cao, bên cạnh sử dụng nước tưới, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đất... Trên cây sầu riêng thường gặp một số loại sâu, bệnh gây hại, như: Xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công.Do đó, trong quá trình canh tác, ông Đệ thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện dịch bệnh, tiến hành xử lý định kỳ để hạn chế tình trạng sâu bệnh xâm nhập. Điều đặc biệt hơn, phương pháp trồng và kỹ thuật chăm sóc ông tự mình lên mạng học hỏi rồi tự đúc kết kinh nghiệm để chăm sóc cây hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, ông Đệ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giúp chủ động thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ để cây phát triển. Khi ra trái, ông Đệ tỉa bớt những trái xấu, tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. Dự kiến đợt trái sau trung bình mỗi cây sầu riêng của gia đình ông cho khoảng 40 trái. Và đợt trái vụ sau ông sẽ chủ động cho ra trái nghịch mùa như vậy giá thành sẽ cao hơn so với bình thường. Với hiệu quả bước đầu của mô hình sầu riêng hữu cơ không chỉ giúp người nông dân phát triển kinh tế, mà còn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.Bên cạnh hiệu quả bước đầu và để phát triển mô hình bền vững, nông dân cần trang bị kiến thức chăm sóc cây sầu riêng một cách cơ bản, nhất là kỹ thuật mới cũng như nắm bắt rõ đặc tính, đặc điểm sinh trưởng của cây sầu riêng. Ngoài ra, do chi phí đầu tư mô hình khá cao, nông dân cần tính toán kỹ, thận trọng trước khi triển khai thực hiện để tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, manh mún làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm dẫn đến thua lỗ trong sản xuất của chính người nông dân./.