Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững

Để hướng đến nền nông nghiệp đô thị, thời gian qua Hội nông dân thành phố Long Xuyên đã tích cực tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi, trồng các loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, việc tăng thu nhập trên cùng diện tích đất khi thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi bền vững cho bà con nông dân vì không chỉ giúp bà con nông dân tăng thu nhập mà còn phù hợp với thị hiếu nhu cầu lựa chọn sản phẩm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được bà con nông dân trên địa bàn xã Mỹ Khánh nhân rộng như trồng trồng rau, màu các loại an toàn chất lượng, chuyển dịch màu trên đất lúa, màu chuyên canh, chăn nuôi…góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân là mô hình trồng hoa thiên lý bằng hệ thống phun sương tự động của ông Nguyễn Hồng Hà, nông dân ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Mỹ Khánh đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông hơn 15 năm qua. Với 0,4 héc ta, trung bình mỗi năm cây thiên lý cho năng suất đạt 2.600 kg/năm, trừ chi phí gia đình ông thu nhập khoảng 195 triệu đồng đến 200 triệu đồng/1 ha/năm, tăng lợi nhuận hơn gấp 10 lần so với trồng lúa.Và mới đây, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, ứng dụng thiết bị tạo ẩm siêu âm của ông Nguyễn Hoàng Trọng Đức, ngụ ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh thực hiện thành công đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân. Rồi đến mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình du lịch sinh thái kết hợp trồng cây ăn trái... Những mô hình ứng dụng công nghệ cao được nông dân ứng dụng ngày càng nhiều vào sản xuất là minh chứng sống động cho việc thay đổi tư duy sản xuất, dần đưa người nông dân hướng đến nền sản xuất ổn định và bền vững.Hay phường Mỹ Hoà cũng là một trong những địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Qua đó, nông dân thực hiện thành công các mô hình ứng dụng công nghệ cao thay thế cho việc sản xuất theo truyền thống nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích, điển hình như: Nuôi lươn VietGap, nuôi vịt xiêm trên đệm lót sinh học, trồng lúa Nhật, trồng nấm linh chi… Nhất là nông dân đã mạnh dạn đầu tư và thành công với mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng của ông Hồ Thiện Hải, ngụ khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa. Đây là mô hình có thế mạnh vượt trội ở chỗ hạn chế được chi phí phun thuốc hoá học. Rau trong nhà lưới sinh trưởng nhanh, thu hoạch sớm, có thể trồng các loại cây khó tính với thời tiết, cây trái vụ, ít tốn công chăm sóc, ngăn ngừa được côn trùng phá hoại, cho năng suất cao, giá trị sản phẩm bán ra thị trường cũng cao hơn, giúp nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân. Rồi đến mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá và gia cầm của bà con nông dân. Với diện tích hơn 1,5 héc ta đất nông dân mạnh dạn lên vườn trồng các loại cây ăn trái lâu năm như: Sầu riêng hữu cơ, mít, xoài, nhãn, sapo, bơ… Dưới ao nông dân kết hợp nuôi cá và nuôi thêm gia súc giúp tăng lợi nhuận kinh tế gia đình.         Bên cạnh các mô hình hiệu quả, bà con nông dân còn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân khai thác hết tiềm năng, nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm cây trồng, giúp tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần tạo hướng đi phù hợp với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp Long Xuyên “Hướng đến nền nông nghiệp đô thị”.Có thể thấy, với việc đa dạng các mô hình nông nghiệp đô thị, có mô hình mới cũng có mô hình là kết hợp giữa tập quán sản xuất đã có sẵn của người dân địa phương với tiến bộ khoa học công nghệ, đã góp phần đa dạng thêm màu sắc cho bức tranh nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Hình thành một nền nông nghiệp đô thị mang màu sắc địa phương nhưng không kém phần năng động, hiện đại và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường như hiện nay./. 

Diễm Phương