Bữa ăn đủ dinh dưỡng và hợp lý tại gia đìnhtrong ngày tết

Dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời sẽ tạo sự tăng trưởng và phát triển tối ưu cho thai nhi và trẻ nhỏ; phòng, chống hữu hiệu với đa số bệnh tật,  có một thể lực khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt cho mọi lứa tuổi. Bữa ăn gia đình có vai trò quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối gồm có đủ 4 nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm ngũ cốc, nhóm thực phẩm giàu đạm, nhóm thực phẩm giàu chất béo, nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

Một là, nhóm ngũ cốc (nhóm glucid) là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Trong nhóm ngũ cốc gạo là nhóm lương thực phổ biến được sử dụng nhiều nhất. Hiện nay, trên thị trường thường bán các loại gạo nhìn rất đẹp mắt do quá trình trình xay xát kỹ nên đã làm mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết và có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1, chất xơ… Gạo lứt là một ví dụ của gạo không bị xay xát kỹ, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và được chứng minh có tác dụng hỗ trợ trong việc kiểm soát đường huyết, hỗ trợ dự phòng điều trị đái tháo đường. Ngoài ra, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác (khoai lang, khoai tây, ngô…) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức  khỏe. Theo nhu cầu dinh dưỡng được khuyến nghị: năng lượng từ ngũ cốc là 55-67% tổng năng lượng khẩu phần là do các chất béo cung cấp nhưng không vượt quá 25% phần còn lại chiếm 13-20% là do chất đạm cung cấp.

Hai là, nhóm thực phẩm giàu đạm (protein) cung cấp các thành phần thiết yếu để đảm bảo cơ thể tăng trưởng, duy trì nhiều hoạt động sống và tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn uống phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loại vật nuôi, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… các loại thịt đỏ như thịt bò, thit lợn … có nhiều sắc giúp do thiếu máu, do thiếu sắc, đặc biệt quang trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều thịt bò bởi sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, ung thư, gout… nên tăng cường ăn các loại thit gia cầm (như vịt, gà, ngỗng, chim…) và nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Các loại cá, tôm và tép và cua là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể, các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt.

Ba là, nhóm thực phẩm giàu chất béo ( nhóm lipid: mỡ động vật, dầu thực vật) giúp cơ thể hoạt động và cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thu vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A.D, E,K. Mỡ động vật thường có chất chất béo bão hòa nên hạn chế ăn. Tuy nhiên, mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3,6,9 nên lại có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, … nhưng có một số dầu thực vật chứa chất béo bão hòa (dầu cọ) cũng không nên ăn nhiều. Không nên ăn nhiều các món xào, nướng, và tăng cường ăn các món luộc, hấp để làm giảm mất mát chất dinh dưỡng và biến đổi thực phẩm gây tác hại cho sức khỏe.

Bốn là, nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (rau quả) giúp cơ thể phát triển ở trẻ nhỏ và làm cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá có màu xanh và các loại rau, quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp cho sáng mắt, tăng sức đề kháng và chất sắt giúp chống thiếu máu do thiếu sắt, giúp tăng trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, rau quả có chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh mạn tính không lây nhiễm. 

Mỗi lứa tuổi cần lưu ý có riêng về chế độ ăn uống để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Đối với trẻ nhỏ thường được chế biến thức ăn riêng phù hợp, đối với trẻ ăn chung đồ ăn với gia đình và người cao tuổi cần lưu ý chế biến các món ăn đủ dinh dưỡng và dễ nhai, dễ nuốt.

Trong xã hội phát triển ngày càng cao có nhiều các thực phẩm, món ăn chế biến sẵn có nhiều dầu mỡ, đường, muối như các món ăn với khoai tây chiên, gà rán, pizza, sandwich… nước ngọt có ga và không có ga, các loại bánh, kẹo, xúc xích, thịt xông khói, chả giò…các thực phẩm này dùng nhiều cũng có hại cho sức khỏe (như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường huyết, các bệnh tim mạch, đái tháo đường và bệnh ung thư…) nhưng vì tính tiện dụng và mới lạ cùng với sự quảng cáo, tiếp thị đầy cám dỗ đã cuốn hút không ít bộ phận con người, đặc biêt là trẻ nhỏ và giới trẻ tiêu thụ ngày càng nhiều. Do đó các gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm hạn chế sử dụng thực phẩm này.

Mọi thực phẩm đều có lợi ích và cả những tác dụng bất lợi, nhất là khi sử dụng quá nhiều. Do đó, nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng miếng ăn và từng bữa ăn để có chế độ hợp lý giàu dinh dưỡng trong những ngày Tết truyền thống của ông bà ta. Bên cạnh đó cũng không quên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong lựa chọn và chế biến, đảm bảo an toàn trong bữa ăn gia đình trong những ngày tết, là cách tốt nhất để đảm bảo gia đình bảo vệ và chống lại bệnh tật và còn làm tăng thêm tình cảm, sự gắn kết các thanh viên trong gia khi hàng ngày cùng nhau quay quần trong mâm cơm gia đình có dinh dưỡng hợp lý ngon, rẻ và an toàn./.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng Trưởng Trạm y tế phường Mỹ Long