Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) xuất hiện tại một số nơi, bệnh có nguy cơ gia tăng, lan rộng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục, ngày 20/9/2023, Phòng Giáo dục và đạo tạo thành phố vừa có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học.

Các triệu chứng của đau mắt đỏ gồm: đỏ ở tròng trắng hoặc mí mắt bên trong; chảy nước mắt nhiều; có chất dịch màu vàng dày đóng vảy trên lông mi, nhất là sau khi ngủ; có chất dịch màu xanh lá cây hoặc trắng chảy ra từ mắt; cảm giác khó chịu ở 1 hoặc cả 2 mắt...Người bệnh có thể bị ngứa mắt khi đau mắt đỏ do dị ứng mắt; đau mắt đỏ do hóa chất; tầm nhìn mờ; nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng); mí mắt sưng.
Theo đó, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm các trường hợp có biến chứng nặng về mắt, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Các trường phải đảm bảo công tác vệ sinh phòng học, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, khử khuẩn bề mặt bằng xà phòng hoặc cloramin B.
Tập trung đợt cao điểm tuyên truyền cho học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, không nên đưa tay dụi mắt, mũi miệng, đeo kính khi bị bệnh đau mắt, tránh tiếp xúc với người bệnh…
Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhà trường cần hướng dẫn cho phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; cho tạm nghỉ học, điều trị và cách ly tại nhà, hạn chế lây lan tại các trường học và cộng đồng; đồng thời cử nhân viên y tế theo dõi tình hình mắc bệnh của học sinh để báo cáo cho trạm Y tế địa phương phối hợp xử lý.