Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh An Giang; trong những năm gần đây, nền kinh tế của thành phố có những bước phát triển quan trọng, kèm theo đó là sức ép lên môi trường cũng ngày một gia tăng. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc đảm bảo phát triển hài hòa giữa các hoạt động kinh tế và môi trường luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, xử lý chất thải răn sinh hoạt theo quy định. Do vậy, UBND thành phố vừa triển khai kế hoạch thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo kế hoạch, thành phố tập trung duy trì, nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn thành phố đạt tỷ lệ 98,5% trong năm 2025 (trong đó đô thị 100%, nông thôn 97%). Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm tăng cường thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố; từng bước tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngay khi có phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, ...
UBND thành phố yêu cầu triển khai thực hiện phải đồng bộ với công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023; củng cố, nâng chất hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đạt 98,5%; trong đó khu vực đô thị đạt tỷ lệ 100% và khu vực nông thôn đạt tỷ lệ 97%; đồng thời tiếp tục duy trì, nâng chất chỉ tiêu 17.11, 17.12 trong Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới, chỉ tiêu 17.5, 17.12 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với 02 xã Mỹ Khánh và Mỹ Hoà Hưng.
Long Xuyên triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Nguyễn Liên