Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thông qua việc phát huy nội lực của cộng đồng người dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, cải thiện mức sống và tăng thu nhập của nông dân, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. UBND thành phố Long Xuyên xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị năm 2024.

Theo đó, năm 2024 Long Xuyên tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ 03 ngành hàng chủ lực gồm ngành hàng lúa gạo với diện tích gieo trồng lúa 10.800 ha, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 80% so diện tích xuống giống, diện tích sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao là 2.460 ha; ngành hàng rau, màu, diện tích sản xuất rau màu cả năm là 1.000 ha, diện tích chuyển dịch từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu là 341,6 ha và ngành hàng thủy sản với diện tích chuyên canh nuôi trồng thủy sản đạt 217,3 ha. Đồng thời, hỗ trợ 03 ngành hàng tiềm năng ngành cây ăn quả (255,5 ha); ngành nấm ăn phát triển các mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu compost, trồng nấm bào ngư và ngành hàng hoa, cây kiểng (24 ha). Ngoài ra còn hỗ trợ ngành hàng cần duy trì và ổn định như đàn gia súc, gia cầm cho người chưn nuôi.
Quá trình thực hiện, thành phố tiếp tục thực hiện nội dung chủ yếu của kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn du lịch sinh thái trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao; từng bước hình thành các vùng chuyên canh, gắn với các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ để sản xuất mang tính bền vững; hỗ trợ quảng bá các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, sàn OCOP, tham gia xúc tiến đầu tư và liên kết các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cải thiện mức sống và tăng thu nhập của nông dân.