Giáo dục Long Xuyên - Nữa nhiệm kỳ nhìn lại

Trong nữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Long Xuyên lần thứ XII, ngành GD-ĐT của thành phố đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng khá  tốt yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Cơ sở vật chất (CSVC) được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang hơn, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra. 

(Ban Thường vụ Thành ủy Long Xuyên chụp ảnh lưu niệm với đại biểu ngành giáo dục của thành phố)

Chất lượng giáo dục tiếp tục được phát triển vững chắc

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT, công tá giáo dục của thành phố đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng. Kết quả các kỳ thi đã có chiều hướng cải thiện dần, tỉ lệ học sinh yếu, kém giảm; học sinh đạt các thứ hạng cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. 

Xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, UBND thành phố ban hành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kết quả từ năm 2021 đến năm 2022 đã có 07 trường công nhận mới và 02 trường công nhận lại, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn thành phố lên 46/56 trường đạt tỷ lệ 82.14% (trong đó năm 2021 công nhận mới 04 trường, năm 2022 công nhận mới 03 trường). Dự kiến trong năm 2023, sau khi hoàn thành các hồ sơ có liên quan sẽ đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận thêm 03 trường sẽ nâng lên 49/56 trường ( tỷ lệ 87,5%). 

Việc đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho ngành GD-ĐT được thành phố quan tâm. Nhiều đề án, dự án đã và đang đầu tư đều hướng đến mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cấp, cải tạo CSVC của ngành. Đội ngũ CBQL, giáo viên từng bước đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được mở rộng và tăng cường, quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân” ngày càng được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, giáo dục thành phố ngày càng khởi sắc, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng các kỳ thi tài năng được đánh giá là một trong những đơn vị mạnh của ngành giáo dục tỉnh An Giang.

Những khó khăn đặt ra

Có thể nói một trường học đạt các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia không những là trường học có đầy đủ các điều kiện phục vụ dạy và học, đạt yêu cầu về chất lượng giáo dục mà còn hướng đến một nền giáo dục phát triển vững chắc để xây dựng một nền giáo dục phát triển trong tương lai. Tuy nhiên trong giai đoạn 2023- 2025 để đạt chỉ tiêu đạt 100% trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao, thành phố gặp những khó khăn sau: 

- Một số trường khó có khả năng mở rộng diện tích đất để đạt chuẩn để công nhận đạt chuẩn trong thời gian tới: Mẫu giáo Hoa Lan, Tiểu học Hàm Nghi, Tiểu học Lê Quý Đôn. Tiến độ xây dựng mới Tiểu học Lê Quý Đôn và Mẫu giáo Họa Mi đến nay chưa kịp tiến độ.

- Quy mô số lớp vượt quy định, trường Tiểu học Nguyễn Du, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi không thể đạt chuẩn quốc gia, hướng xây dựng trường đạt chất lượng cao. Nhưng thực tế hiện nay, Bộ GDĐT và Sở GD-ĐT chưa có hướng dẫn đánh giá tiêu chí trường đạt chất lượng cao.

- Một số trường thiếu các phòng chức năng, trang thiết bị phòng tiếng Anh, Tin học (có 07 trường không có phòng máy và thiết bị máy vi tính để giảng dạy cho học sinh tiểu học bắt buộc theo công văn số 632/SGDĐT-GDMN.GDTH ngày 17/3/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang về việc đảm bảo điều kiện tổ chức học môn tiếng Anh và môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học). Một số trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia quá thời gian 05 năm, hiện tại cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu quy định trường đạt chuẩn quốc gia để công nhận lại và còn thiếu so với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Để khắc phục những khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

- Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC cho các trường cận chuẩn theo lộ trình, chủ yếu là xây dựng mới, bổ sung các phòng học và các phòng chức năng. Mở rộng CSVC đảm bảo đủ sân chơi bãi tập và giải quyết vấn đề về quỹ đất. Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trung học cơ sở Nguyễn Trãi từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu các tiêu chí xây dựng trường chất lượng cao.

          - Bố trí ngân sách thành phố để đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới phương pháp dạy học; học 2 buổi/ngày theo quy định; thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập theo quy định. 

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở trong công tác phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung và xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục bằng các giải pháp tích cực: phát động phong trào hiến đất xây dựng trường, tôn vinh các cá nhân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

- Điều chỉnh mạng lưới trường lớp gắn với việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (kể cả việc công nhận lại), đảm bảo bảo tính khả thi dứt điểm từng đơn vị.

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, thực hiện có hiệu quả đổi mới nội dung phương pháp dạy và học; đẩy nhanh chuyển đổ số trong giáo dục. Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên..., để nâng cao năng lực đội ngũ.

- Thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên đảm bảo công bằng, hợp lý. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào ngành giáo dục của thành phố. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và bảo đảm các điều kiện cho hoạt động giảng dạy. 

- Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, chấn chỉnh nền nếp trong dạy học và quản lý. Quản lý tốt các hoạt động dạy thêm; tăng cường huy động sự tham gia của xã hội vào các hoạt động chủ yếu của ngành giáo dục, như việc tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” đã triển khai tốt trong thời gian qua.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” để không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác trong đội ngũ thầy cô giáo và ý thức học tập rèn luyện chuyên cần, lễ phép trong học sinh./.

 

Thanh Hùng – TTCT TP