Tết Nguyên đán đang đến gần là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, nem, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu... Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dung của khách hàng. Điều này làm cho thị trường thực phẩm rất có thể trà trộn những thực phẩm không an toàn làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các biên pháp sau:
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các điều kiện an toàn thực phẩm như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và về con người tham gia sản xuất thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng các chất hổ trợ, phụ gia phải đúng qui định, liều lượng và được phép sử dụng. Tuyệt đối không buôn bán, kinh doanh các loại thực phẩm giải, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bảo đảm an toàn vệ sinh từ kho bãi đến quá trình lưu thông, vận chuyển.
Đối với người tiêu dùng, chọn mua thực phẩm an toàn; không mua sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn; đọc nhãn sản phẩm thực phẩm. Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm, mua vừa đủ ăn trong những ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng. Chế biến thực phẩm an toàn và ăn thức ăn sau khi đã nấu chín, sử dụng nguồn nước sạch, giữ tay luôn sạch sẽ khi chế biến thực phẩm, vệ sinh bếp nấu và khu vực chế biến thức ăn.
Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nấu chín kỹ thức ăn, bảo đảm nhiệt độ bên trong thực phẩm phải đạt tới trên 70°C. Không để lẫn thực phẩm sống và chín; thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
Các bậc phụ huynh nhắc nhở con em mình thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giáo dục con em mình không nên ăn uống ở các hàng quán ngoài đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.