Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm có số người tử vong đáng báo động tại Việt Nam; tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều suy nghĩ chủ quan của người dân trong phòng ngừa căn bệnh này. Đa số trường hợp tử vong đều không tiêm ngừa vắc xin dại mà tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như uống thuốc nam, lấy nọc; ngoài ra số lượng chó tại Việt Nam là tương đối nhiều, hầu hết được thả rông, không rọ mõm và chưa được tiêm ngừa vắc xin dại. Đây là nguồn lây vi rút dại cho người. Tỷ lệ tử vong là 100% khi lên cơn dại và bệnh dại lưu hành tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm (chỉ đứng sau đại dịch Covid-19 và sởi) với tỷ lệ tử vong hầu như 100% khi lên cơn dại. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, trong giai đoạn 2017-2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52 tỉnh thành phố, mỗi năm có gần 500.000 người bị phơi nhiễm với vi rút này.

Vẫn còn nhiều hiểu lầm về bệnh dại. Từ thực tế số ca tử vong do dại được ghi nhận gần đây và báo cáo của các cơ quan ban ngành trong giai đoạn 04 năm vừa qua, có thể thấy, phòng chống bệnh dại đang là một thách thức. Hằng năm nước ta vẫn còn nhiều người chết vì bệnh dại là do sự chủ quan và những ngộ nhận của người dân về bệnh dại và vắc xin phòng dại. Mặt khác, tình trạng nuôi, thả rông chó mèo không rọ mõm vẫn còn tồn tại phổ biến tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý và tổ chức tiêm phòng dại cho động vật.
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP.HCM: “Hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh Dại là do người bệnh không đi tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ rằng chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ,... Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc đông y, hoặc đi lấy nọc… sẽ dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong”. ThS.BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn nhấn mạnh: Chính tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm. Vắc xin Dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ mới là công nghệ tế bào, đã được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho người tiêm và không có gì phải lo lắng về các tác dụng phụ của vắc xin”.
Bệnh dại ở người - đường lây truyền và cách phòng tránh?
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật có vú máu nóng như: chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo,...Vi rút dại thuộc họ Rhabdovirus, giống lyssavirus có vật liệu di truyền là ARN, có vỏ ngoài là Glycoprotein. Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng nêu trên.
Thời gian ủ bệnh từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi ngắn dưới 09 ngày hoặc dài tới 01 vài năm. Tất cả các con chó mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi con chó có triệu chứng dại đầu tiên (mèo ít bị bệnh dại hơn, bệnh dại ở mèo tương tự như ở chó; mèo hay núp mình ở chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục, cắn khi có người chạm vào).
Thời kỳ lây truyền ở người. Vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh (khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp).
Xử lý vết thương tại chỗ. Phải rửa thật kỹ bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70%, dung dịch iode,… Mục đích giảm thiểu lượng vi rút tại nơi xâm nhập, không nên khâu kín vết thương hoặc băng kín, nếu cắt lọc không khâu ngay, dùng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Tiêm vắc xin dại: Tiêm huyết thanh kháng dại(nếu có chỉ định).
Bệnh dại được chẩn đoán trên lâm sàng có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng). Các triệu chứng liệt (thể dại liệt) - Tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày (tỷ lệ tử vong là 100%)./.