Đề án chuyển dịch đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, gắn với du lịch sinh thái, giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2030 của xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên (gọi tắt là Đề án) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 04/9/2018. Với mục tiêu chuyển dịch 502 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang 202 ha rau màu, 300 ha cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, trên cơ sở đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng thuỷ lợi và liên kết các chuỗi sản xuất tiêu thụ để tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong năm 2022, diện tích chuyển dịch từ đất trồng lúa sang cây ăn trái trên địa bàn xã Mỹ Hoà Hưng: 9,3/9,8 ha, luỹ kế đạt 201,5/300 ha, đạt 67,19%. Qua chuyển đổi đất trồng lúa sang cây ăn trái khoảng 03 năm qua đã cho trái mùa đầu tiên với sản lượng còn hạn chế, nhưng thu nhập vẫn cao hơn lúa khá nhiều. Thời gian tới sản lượng không ngừng tăng lên thì thu nhập người dân sẽ ngày càng cao hơn. Ước tính 01 ha cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 3 lần 01 ha lúa (tùy thời giá).
Đối với chuyển dịch từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu với diện tích 1,25ha/11,6ha, đạt 10,5%, luỹ kế 124,15/202 ha, đạt 61,4%. Riêng mè xen canh được 350 ha. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tổ hợp tác rau an toàn ấp Mỹ An 2 (Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng) được cấp giấy nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với diện tích 12,17 ha; bước đầu thực hiện vai trò làm đầu mối để tiếp tục duy trì liên kết với Công ty Phan Nam, Coopmart, các chợ,…., liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với chợ Mỹ Bình, Mỹ Long, HTX nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng với Cty TNHH TMT TBT.
Qua chuyển đổi đất trồng lúa sang rau màu thì thu nhập người dân cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Lợi nhuận rau ăn lá khoảng 343 triệu đồng/01ha, so với lúa 60 triệu/01ha. Ngoài ra, chuyển đổi vườn tạp để phát triển kinh tế hộ diện tích chuyển đổi vườn tạp để phát triển kinh tế hộ là 0,6 ha/10 ha đạt 6%. Bên cạnh đó, Thành phố đang triển khai hoàn thiện 02 dự án hệ thống thủy lợi công nghệ cao vùng chuyên canh rau màu và cây ăn quả ấp Mỹ An 1, Mỹ An 2 và hệ thống đê bao khép kín các tiểu vùng còn lại để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.
Về Du lịch sinh thái, trong năm 2020, thành phố hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp, dịch vụ và du lịch Mỹ Hoà Hưng trên cơ sở 09 hộ du lịch homesaty hiện có, làm nền tảng và vận động các hộ gia đình đã cải tạo vườn tạp tham gia. Thành phố cũng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, bồi bàn, nấu ăn, quảng bá du lịch nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch, nhất là du lịch homestay. Nhưng do dịch bệnh Covid19 diễn ra thời gian dài nên lượng khách đến địa phương lưu trú không nhiều, bà con nông dân phải tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn thường xuyên cải tạo, chăm sóc, tôn tạo lại các điểm du lịch homestay. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các điểm, tuyến du lịch dần phục hồi, các hộ gia đình đã cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái, trồng hoa gắn với du lịch sinh thái đã mang lại thu nhập khá cao, lượng khách đến địa phương vào các ngày nghỉ khá lớn, đang dần dần trở thành điểm du lịch xanh trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn xã có 14 điểm du lịch sinh thái được hình thành từ cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái như: Quán Vườn xoài, quán Hoàng Yến, Sơ ri, Táo Hồng, vườn Ổi…
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án chuyển dịch đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 xã Mỹ Hòa Hưng bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng nhiều, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tiếp tục duy trì và hình thành mới, qua đó tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn nâng cao giá trị kinh tế cũng như thu nhập cho nông dân, góp phần giúp miền quê đáng sống, người dân ấm no, hạnh phúc ngay tại quê hương Bác Tôn anh hùng.