Ngày 14/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Long Xuyên đến năm 2035.
Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm xây dựng thành phố Long Xuyên trở thành “Thành phố xanh, sinh thái” trong tương lai, với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên, góp phần vào công cuộc phát triển chung của toàn thành phố. Chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo không gian đô thị hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, đề án còn đưa ra những định hướng phát triển mạng lưới cây xanh nhằm đảm bảo chỉ tiêu cây xanh đô thị phù hợp với các quy định, quy phạm hiện hành, góp phần cải thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.Đề án làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư về cây xanh đô thị, các kế hoạch phát triển cây xanh chi tiết tại các khu vực quan trọng trên địa bàn thành phố. Từng bước tăng tỷ lệ diện tích cây xanh/người đạt tiêu chuẩn đô thị loại I bằng nhiều hình thức. Đồng thời cụ thể hóa các Đồ án quy hoạch phần không gian cây xanh trên địa bàn thành phố Long Xuyên và cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh công viên, đường phố; lựa chọn thiết kế và đầu tư các tuyến trục cảnh quan, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.Về chiến lược tổng thể của đề ánTập trung phát huy những không gian xanh lớn, không gian nông nghiệp bên ngoài thành phố bằng cách cải tạo cảnh quan, bố trí các loại hình dịch vụ, để biến khu vực này thành những không gian có giá trị khai thác và bổ trợ cho thành phố. Có thể là các khu vực công viên sinh thái nông nghiệp có thiết kế đường đi xe đạp, đi bộ, dừng chân ngắm cảnh và một vài công trình dịch vụ; các farmstay (trang trại) gắn với du lịch trải nghiệm. Phát huy các không gian ven sông Hậu với đa dạng cảnh quan cây xanh ven sông bằng sự thay đổi thiết kế không gian, khu vực kè cứng, khu vực trung tâm nhộn nhịp nhà hàng, khách sạn, khu vực cảnh quan tự nhiên với các công trình nhà ven sông. Đồng thời kết nối hành lang xanh giữa sông Hậu và các không gian xanh lớn phía Tây. Các hành lang được xác định gồm: hệ thống đường giao thông kết nối hướng Đông Tây và hệ thống kênh rạch nối từ phía Tây thành phố đổ ra sông Hậu (rạch Cần Xây, Trà Ôn, kênh Rạch Giá – Long Xuyên, rạch Cái Sơn, rạch Tầm Bót, sông Cái Sao, rạch Cái Dung và rạch Cái Sắn Sâu…).Tổ chức và thiết kế những không gian xanh quan trọng trong thành phố, các mô hình về giải pháp thiết kế cây xanh thông minh cho người dân trải nghiệm, để họ có thể học tập và nhân rộng ở gia đình. Phát huy tính đa dạng của hệ thống cây xanh; đồng thời trồng một số cây bóng mát thật to, ấn tượng làm điểm nhấn cho thành phố. Xác định một số loài cây đặc thù và những tiêu chí chọn loại cây trồng được đề xuất, một số loài cây xanh đô thị phù hợp với thành phố Long Xuyên.Về các nhóm giải pháp thực hiện đề ánĐối với cây xanh tập trung (các công viên tập trung, các vùng cây xanh lớn trong đô thị). Phát triển hệ cây xanh đa dạng, nhiều tầng tán, để tạo cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái; chú trọng những cây to, cao, gây ấn tượng như: sao đen, me tây, đan xen với cây hoa bốn mùa. Ở những tầng dưới, sát với hệ thống chỗ ngồi, ưu tiên trồng cây nông nghiệp, cây sử dụng kiểu nông nghiệp đô thị, để tăng mối liên hệ tinh thần giữa con người với nông nghiệp. Đối với công viên vườn hoa, chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Đồng thời tạo những điểm nhấn công viên cây xanh với dịch vụ trong lòng khu vực đồng ruộng phía Tây, để làm điểm đến trải nghiệm, du lịch ngắm cảnh, nhất là ở đầu những hành lang xanh.Đối với cây xanh vỉa hè đường phố. Cây bóng mát đường phố chủ yếu phải là cây to, lâu năm, tán dày, đẹp. Cây có hoa thì phải là những màu hoa từ trắng, vàng rất nhạt, xanh tím v.v. là những màu tạo cảm giác mát. Việc lựa chọn trồng một loài hay nhiều loài trên một tuyến phố theo nguyên tắc những đường lớn, nhất là các dải giữa thì nên trồng một loài; những đường nhỏ, ngóc ngách, vỉa hè chỗ hẹp, để người dân tự trồng và chăm sóc và những loài cây trồng đồng nhất tập trung vào 3-5 loài để tạo ra được bản sắc rõ rệt.Các tuyến phố ở thành phố Long Xuyên chia làm hai loại chính, loại dọc theo hướng Bắc – Nam và loại ngang theo hướng Đông – Tây. Ở những đoạn đường cong, nơi nhiều đường giáp nhau, hai bên đầu cầu, cần dành khoảng trống, không trồng cây tại đầu mối đường giao nhau, để đảm bảo tầm nhìn cho lái xe và người đi đường nhìn đường dễ dàng. Trên các đường phố chạy từ ngoại ô vào nội thành cần nghiên cứu cách bố trí mỹ thuật và chọn giống cây đẹp để gây ấn tượng đối với khách các nơi đến đô thị. Đối với cây xanh đường phố cũ, nguyên tắc là đa dạng cây xanh cho phù hợp với đặc điểm từng đường phố.Về bố trí trồng cây xanh ở các trục giao thông chínhĐoạn chạy xuyên qua trung tâm thành phố Long Xuyên từ phà Vàm Cống đến cầu Trà Ôn, các đoạn có dải phân cách trồng thêm 1 hàng cây to, cao, thân thẳng. Vỉa hè ưu tiên trồng cây bóng mát có lá quanh năm, tán rộng và tương đối đồng nhất để tạo điểm nhấn. Trong khu vực trung tâm mật độ đông đúc, ưu tiên việc che bóng và đem lại cảm giác thư giãn bằng cách trồng cây xanh đơn thuần, tán rộng và đồng nhất. Với tuyến đường tránh Long Xuyên, cây trồng phải đáp ứng các tiêu chí hợp điều kiện địa lý, dễ trồng và chịu được gió nhằm giảm thiểu tiếng ồn đối với người tham gia giao thông và người dân hai bên đường, đồng thời giảm thiểu được khói bụi.Đối với các trục đường đôi trên địa bàn thành phố, tùy vào mặt cắt của từng tuyến, mà áp dụng các phương án trồng cây khác nhau theo bề rộng vỉa hè và bề rộng dải phân cách. Tuy nhiên, khu vực sát vỉa hè và dải phân cách, không trồng các loại cây tán quá to, chiều cao ngang tầm giao thông cơ giới, tránh cản trở giao thông và người tham gia giao thông. Với đường đô thị có vỉa hè còn lại, về cơ bản cây xanh vỉa hè nên hạn chế cây quá cao như họ dầu, vừa nguy hiểm, lâu đẹp mà hiệu quả che bóng không cao. Các tuyến đường ven sông, kênh, rạch cần giữ gìn và khai thác có hiệu quả các tuyến cảnh quan, đảm bảo vẻ mỹ quan và tạo sự khác biệt cho đô thị Long Xuyên.Các tuyến đường vỉa hè lớn, phát huy ý tưởng chủ đạo tổ chức các khu vực này thành dải vườn hoa nhỏ, trồng các loại cây hữu ích, có tác dụng giáo dục, như những vườn trường cho trẻ nhỏ. Còn các tuyến đường không có vỉa hè, khuyến khích người dân xây dựng công trình có khoảng lùi và trồng cây trong sân nhà, vừa tạo khoảng đệm giữa công trình và đường như hiện tại, vừa đóng góp vào hệ thống không gian xanh toàn đô thị. Ngoài ra, đường nông thôn ngõ nhỏ, không phải đường thương mại chính, khuyến khích người dân tự trang trí cây xanh và tạo thành chỗ ngồi chơi trước cửa như ở nhiều khu vực trong thành phố Long Xuyên hiện nay.Ngoài ra, đề án còn quy hoạch trồng cây xanh đối với một số khu vực khác phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng khu vực như: khu vực góc phố đèn báo tín hiệu; khu vực dùng làm chỗ đỗ xe và điểm sử dụng công cộng; khu vực nút giao thông lớn, cửa ngõ vào đô thị của thành phố, trồng cây xanh dải phân cách và các khu vực cầu, bên hông thân cầu, trụ cầu… đồng thời xác định các giải pháp về nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện đề án./.