Viêm não mô cầu và những điều cần biết

Thời tiết lạnh, ẩm sau Tết, mùa lễ hội, tụ tập đông người đầu năm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn não mô cầu gia tăng. Một số bệnh viện ghi nhận các ca mắc não mô cầu nặng và đã có ca tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các vắc xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu (A, B, C, Y, W-135), chặn đứng căn bệnh gây tử vong chỉ trong 24 giờ.

Viêm não mô cầu là gì?

Viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này tấn công màng não và dịch não tủy, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Con đường lây truyền: Vi khuẩn mô cầu lây từ người sang người qua đường hô hấp: qua nước bọt, dịch tiết khi ho, hắt hơi; qua tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học chung lớp, làm việc cùng phòng), đặc biệt trong môi trường đông đúc như ký túc xá, quân đội...

Đối tượng dễ mắc bệnh: Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên (14-20 tuổi), người có cơ địa suy giảm miễn dịch và người cao tuổi.

Triệu chứng nhận biết

Sốt cao kèm đau đầu dữ dội. Khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C kèm theo đau đầu, uống thuốc hạ sốt mà không thuyên giảm..., là dấu hiệu bất thường cần được theo dõi và đi khám sớm.

Rối loạn ý thức, người bệnh có thể lơ mơ, mê sảng, không nhận biết không gian, thời gian hoặc người thân. Ở người cao tuổi, dấu hiệu có thể là sự thay đổi nhỏ về hành vi hoặc tính cách.

Phát ban da, Ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Buồn nôn hoặc nôn. Nếu nôn kèm theo đau đầu dữ dội là dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ, cần được cấp cứu ngay lập tức.

Cứng cổ: Người bệnh cảm thấy đau và không thể cúi đầu chạm cằm vào ngực

Biến chứng nguy hiểm: Viêm màng não mủ; nhiễm khuẩn huyết; hoại tử chi, mù, điếc, chậm phát triển; tử vong.

Phòng bệnh như thế nào?

 - Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả và lâu dài nhất. Vắc xin thường được tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên hoặc theo khuyến cáo trong vùng dịch.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi cần thiết.

- Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là cốc, khăn mặt.

 - Giữ môi trường sống thông thoáng, tránh tụ tập đông người trong môi trường kín.

Khi nào cần đến cơ sở y tế?

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm não mô cầu (sốt cao đột ngột, đau đầu, cứng cổ…), cần đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lưu ý: Viêm não mô cầu là bệnh hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm, vì vậy chủ động phòng ngừa và tiêm vắc xin là chìa khóa bảo vệ bạn và cộng đồng.

Giữ bình tĩnh và gọi cấp cứu ngay lập tức. Đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn nếu có co giật hoặc nôn ói. Không cố gắng cho người bệnh uống nước hoặc thuốc khi đang có biểu hiện rối loạn ý thức. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhịp thở nếu có thể. Làm mát cơ thể bằng khăn ướt nếu người bệnh sốt cao. Tạo môi trường yên tĩnh, giảm ánh sáng mạnh và tiếng ồn.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, viêm não mô cầu có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong chỉ trong vòng 24 - 48 giờ. Việc chậm trễ trong điều trị làm giảm đáng kể khả năng cứu sống và tăng nguy cơ để lại di chứng nặng nề như điếc, liệt hoặc rối loạn thần kinh.

                                                                Phạm Minh Nhựt TT Y tế thành phố