Văn hóa đọc trong thời đại số, thách thức và cơ hội

Trong dòng chảy phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, con người đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi với thời đại số. Từ cách làm việc, giao tiếp đến tiếp cận tri thức, mọi thứ đều có sự can thiệp sâu rộng của công nghệ. Giữa bối cảnh đó, văn hóa đọc – một trong những giá trị nền tảng của tri thức và văn minh nhân loại – cũng đang đứng trước những thách thức và cơ hội chưa từng có.
Không thể phủ nhận rằng thời đại số đang tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đối với thói quen đọc của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Với sự phổ biến của internet, mạng xã hội, các nền tảng giải trí trực tuyến, lượng thời gian dành cho việc đọc sách truyền thống đang ngày một thu hẹp. Việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, ngắn gọn khiến nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, trở nên thiếu kiên nhẫn với những nội dung dài và đòi hỏi sự tập trung cao như sách in, bởi người đọc ngày nay có thể tiếp cận hàng triệu nguồn tài liệu chỉ với một cú nhấp chuột. Dẫu đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thời đại số cũng đang mở ra vô vàn cơ hội để làm mới, làm sống lại và phát triển văn hóa đọc theo một hình thái linh hoạt, hiện đại hơn. Sự xuất hiện của sách điện tử, sách nói, các thư viện số, nền tảng đọc trực tuyến đang giúp người dùng có thể tiếp cận kho tri thức nhân loại mọi lúc, mọi nơi. Những người bận rộn có thể tranh thủ đọc sách trên điện thoại khi di chuyển, nghe sách nói khi làm việc nhà, hay tìm kiếm tài liệu học thuật chỉ trong vài giây.
Hơn thế, công nghệ số còn tạo điều kiện để các hoạt động quảng bá và lan tỏa văn hóa đọc diễn ra mạnh mẽ hơn. Các thư viện truyền thống cũng đang dần chuyển đổi số, tích hợp công nghệ để phục vụ độc giả tốt hơn. Nhiều thư viện trường học đã ứng dụng phần mềm quản lý sách, xây dựng thư viện điện tử để học sinh, sinh viên dễ dàng mượn trả sách, tìm kiếm tài liệu, truy cập kho sách số phong phú mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Để văn hóa đọc không bị mai một mà ngược lại, phát triển mạnh mẽ trong thời đại số, cần có sự chung tay từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, xã hội và cả bản thân người đọc.Trước hết, cần khơi dậy tình yêu sách ngay từ khi còn nhỏ. Gia đình nên là nơi khởi nguồn cho thói quen đọc, bằng cách cha mẹ cùng con đọc sách, tạo góc đọc trong nhà, tặng sách làm quà… Nhà trường cần đổi mới phương pháp giáo dục, đưa hoạt động đọc sách thành một phần thiết yếu trong chương trình học, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngày hội đọc sách, câu lạc bộ đọc sách… Bản thân mỗi người đọc cũng cần chủ động thay đổi cách tiếp cận tri thức. Thay vì phụ thuộc vào các thông tin ngắn hạn, cần đầu tư thời gian cho những cuốn sách có chiều sâu, có giá trị lâu dài. Đọc sách không chỉ để giải trí mà còn để tự hoàn thiện bản thân, phát triển tư duy và mở rộng thế giới quan.
Văn hóa đọc trong thời đại số là một hành trình vừa thách thức, vừa đầy tiềm năng. Công nghệ có thể làm con người sao nhãng với sách, nhưng cũng có thể trở thành cánh tay nối dài để đưa sách đến gần hơn với cuộc sống hiện đại. Điều quan trọng là mỗi cá nhân và cộng đồng cần nhận thức rõ giá trị bền vững của tri thức, từ đó nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc một cách phù hợp, sáng tạo và bền vững. Văn hóa đọc, nếu được vun đắp và lan tỏa đúng cách, sẽ luôn là ngọn lửa soi sáng con đường đi tới tri thức và khai phóng tiềm năng con người./.
 

Đỗ Nguyên