Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 570.000 ca mới mắc ung thư cổ tử cung với khoảng 311.000 ca tử vong do bệnh này. Đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trên toàn thế giới. Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 44. Rất hiếm khi ung thư cổ tử cung được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 20 tuổi. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm: Chảy máu âm đạo bất thường; dịch tiết âm đạo có mùi hôi hoặc màu sắc bất thường; đau khi quan hệ tình dục; đau vùng chậu.

Theo Globocan 2020, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 4.177 ca mới mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.420 ca tử vong do bệnh này. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 7 ở phụ nữ tại Việt Nam. Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 59 có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ tầm soát định kỳ và tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV tại Việt Nam vẫn còn thấp. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các nhóm người có thu nhập thấp.
Ung thư cổ tử cung chủ yếu do nhiễm virus HPV, một loại virus lây truyền qua đường tình dục. Việc tiêm vắc-xin HPV và tầm soát định kỳ có thể giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. WHO khuyến nghị tiêm vắc-xin HPV cho trẻ gái từ 9-14 tuổi. Và tầm soát ung thư cổ tử cung bắt đầu từ tuổi 30 đối với dân số chung, hoặc từ tuổi 25 đối với phụ nữ nhiễm HIV. Mặc dù có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ chưa được tầm soát hoặc tiêm vắc-xin đầy đủ.
Để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung, thì việc nâng cao nhận thức về vắc-xin HPV và tầm soát định kỳ là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHH-GĐ và khám sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại cộng đồng là một trong những giải pháp tích cực nhằm chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đồng thời phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca mắc bệnh viêm, nhiễm ở đường sinh dục góp phần hạn chế, phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Năm 2024 Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên đã triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và khám sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại cộng đồng tại 05 phường, xã gồm: phường Bình Đức, Mỹ Phước, Mỹ Thới, Mỹ Hòa và xã Mỹ Hòa Hưng. Chiến dịch được triển khaimột đợt từ ngày 15/7/2024 đến ngày 20/8/2024.
Với sự nỗ lực của lực lượng cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, y tế cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể; Đội lưu động Trung tâm Y tế thành phố đã thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, khám tầm soát bệnh an toàn, đạt hiệu quả cao, nên hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Qua đó, đã tổ chức truyền thông được 05 cuộc với 150 chi em tham dự, góp phần thu hút đông đảo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám bệnh. Kết quả thực hiện các gói dịch vụ KHHGĐ, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản; khám phụ khoa, sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung và dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như sau:
- Thực hiện chỉ tiêu các biện pháp tránh thai gồm đình sản: 07/03 người, đạt 233%; đặt vòng tránh thai: 132/131 người, đạt 100,76%; thuốc cấy tránh thai: 03/03 người, đạt 100%; thuốc tiêm: 130/130 người, đạt 100%; thuốc viên: 252/250 người, đạt 100,80%; bao cao su: 222/220 người, đạt 100,91%;
- Số lượt phụ nữ được khám viêm nhiễm đường sinh sản: 634/600 người, đạt 105,67%, trong đó số phụ nữ được phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản là 75 người, số phụ nữ được điều trị là 58 người.
- Số phụ nữ được thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung (Papsmear) là 302/300 người, đạt 100,67%, không có ca nào bất thường.
- Thực hiện dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, gồm sàng lọc trước sinh: 134/130 thai phụ, đạt 103,08%; sàng lọc sơ sinh: 161/100 trẻ sơ sinh, đạt 161%.
- Số nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe là 355/355 người, đạt 100% kế hoạch chiến dịch.
Kết quả của chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và khám sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung đã góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức nhằm chuyển đổi thái độ, hành vi tích cực đối với công tác nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững, đồng thời góp phần cùng với việc tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV (phòng ngừa ung thư cổ tử cung) cho trẻ gái trước 15 tuổi, phấn đấu loại trừ căn bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam trong 30 năm tới.
Ngoài ra còn kết hợp thực hiện tốt công tác mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh phát hiện sớm để có phương án điều trị kịp thời góp phần đảm bảo tương lai khỏe mạnh của con trẻ hoặc các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến mẹ bầu, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.
Bùi Thị Nhàn - TT Y tế TPLX