Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ thành phố đến phường, xã đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tích cực, chủ động phòng ngừa không để vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Đó là chỉ đạo của UBND thành phố trong kế hoạch tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiều rộng lẫn chiều sâu trong cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm soát, quản lý chặt về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng chất bảo quản, phụ gia độc hại, phân bón, thuốc trừ sâu, chất cấm; chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất; dịch vụ ăn uống... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm thực phẩm đồng bộ theo chuỗi cung ứng từ trang trại, cơ sở sản xuất đến bàn ăn; phân tích mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc các Ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các phường, xã thực hiện có hiệu quả kế hoạch của thành phố về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.