Các địa danh ở Long Xuyên không chỉ là những nhân chứng của quá khứ oai hùng

Đến thành phố Long Xuyên sau 50 năm giải phóng, ai ai cũng đều ấn tượng bởi sự “thay da đổi thịt”. Từ những con đường rộng, dài thẳng tắp được trải nhựa đến những tòa nhà cao tầng, những cây cầu, khu đô thị mới hiện đại và trẻ trung… Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước đây Long Xuyên được hình thành từ một đồn nhỏ tại vàm rạch Tam Khê được gọi là thủ Đông Xuyên rồi đến với tên gọi thành phố Long Xuyên ngày nay, đó là một quá trình hàng trăm năm và đã có nhiều địa danh mang tính lịch sử gắn liền với sự phát triển của thành phố qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Mỹ đầy oai hùng.

Có lẽ không ít người dân sẽ bất ngờ khi (khu vực Vincom Plaza và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim ngày nay) chính là dấu mốc đánh dấu cho sự ra đời của thành phố trẻ Long Xuyên ngày nay. Từ một đồn nhỏ Thủ Đông Xuyên được xây đắp bằng thành đất cách đây hàng trăm năm đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hình thành vùng đất Long Xuyên, đồng thời góp phần ngăn ngừa xâm lăng của giặc từ phía tây, bảo vệ cư dân người Việt đến làm ăn sinh sống. Hai bên bờ cầu Duy Tân, Hoàng Diệu xưa kia chính là điểm tập trung đông đảo dân cư vì thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán và trao đổi hàng hóa.

Hay đến thời Pháp thuộc, năm 1876, nhiều công trình giao thông, hạ tầng được thực dân Pháp xây dựng để phục vụ cho bộ máy cai trị, trong đó có cầu Henry (nay là cầu Hoàng Diệu), tiệm cầm đồ Mon-tê-đi-ê-Pi-ê-teo (nay là Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang), công sở làng Mỹ Phước (nay là Ủy ban nhân dân phường Mỹ Long) và công trường Thống chế Foch (này là công trường Trưng Nữ Vương)…đến nay những công trình này vẫn còn tồn tại và được tu sửa, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến sự phát triển không ngừng của thành phố.

Đến thời kì chống đế quốc Mỹ, nhiều cái tên, địa danh đã trở thành những nhân chứng của quá oai hùng, đấu tranh ác liệt của các chiến sĩ Đội biệt động Long Xuyên như sự kiện ngày 16-6-1962, tại khu vườn nhà bà bảy Khánh (vàm mương Thầy Lộc, ấp Bình Hòa, xã Bình Đức – nay là xã Mỹ Khánh) đã đánh dấu sự ra đời của Đội biệt động Long Xuyên. Cùng với đó là nhiều trận đánh thể hiện “chất Biệt động” của đơn vị đã gây nhiều tiếng vang, khiến địch khiếp sợ, như tập kích bọn dân vệ gác cầu Tầm Bót (Mỹ Phước), đánh đồn Trà Ôn (bờ bắc cầu Trà Ôn bây giờ)... Nhiều tấm gương dũng cảm đã bồi đắp thêm thành tích của đội: Đó là Nguyễn Đăng Sơn với trận đánh nhà đèn trong tỉnh lỵ, ngày nay chúng ta có Công viên mang tên ông như một lời tri ân sâu sắc đến sự hy sinh to lớn. Ngày nay, cứ mỗi dịp 27-7 là tuổi trẻ phường Mỹ Bình lại tổ chức dâng hoa và viếng tượng của người liệt sĩ hi sinh khi còn rất trẻ này.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tấm gương liệt oanh ấy vẫn luôn ngời sáng, cho những cuộc đời tươi trẻ hôm nay và mai sau mãi nhớ đến năm tháng hào hùng, và cho ngàn ngày xưa đến ngàn ngày sau. Đây là nguồn động viên, động lực to lớn để tuổi trẻ thành phố kế thừa, phát huy truyền thống, không ngừng nêu cao tinh thần, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nhưng vẫn giàu truyền thống cách mạng và bản sắc dân tộc.

Với một bề dày lịch sử hơn 235 năm, các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, những con đường, những công viên, địa điểm gắn liền với lịch sử đấu tranh, hình thành và phát triển của thành phố Long Xuyên qua các thời kỳ đã trở thành những nhân chứng của quá oai hùng. Qua đó, giúp mỗi người dân sống trong thời bình hiểu được giá trị của độc lập, càng thêm cảm thấy tự hào và biết ơn những hy sinh của ông cha ta và ra sức đóng góp, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng phát triển rực rỡ hơn trong tương lai./.

Thành Nhân