Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp phù hợp với tốc độ đô thị hóa, nông dân trên địa bàn thành phố Long Xuyên từng bước thay đổi tư duy cũng như phương thức trong sản xuất nhằm hướng đến nông nghiệp bền vững. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nông dân đô thị.

Một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định là Mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng hữu cơ kết hợp nuôi ốc bưu đen của nông dân Nguyễn Minh Trăng, nông dân khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức. Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 0,5 héc ta với hơn 150 gốc bưởi và được nông dân sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ sinh học. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như chủ động trong khâu xử lý ra hoa đậu trái giúp năng suất, chất lượng cây ăn trái sau thu hoạch được đảm bảo. Hiện nay, cây đang cho trái tốt, trái nhiều và to, được duy trì thu hoạch xoay vòng nhiều đợt trong năm. Trung bình mỗi đợt thu hoạch từ 3 - 4 tấn, giá thành bán ra từ 35.000đ - 50.000đ/kg, nông dân thu nhập từ 150 triệu đồng đến 170 triệu đồng/đợt. Không dừng lại đó, tận dụng mương trữ nước tưới trong vườn cây ăn trái, nông dân nuôi thêm ốc bưu đen thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thêm thu nhập đáng kể với trung bình từ 350 triệu đồng/năm.
Nhìn chung, với tình hình giá vật tư nông nghiệp vẫn còn ở mức cao, thì việc nông dân mạnh dạn thực hiện các mô hình cây ăn trái theo hướng hữu cơ không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận… trong khâu sản xuất. Qua đó, còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng trên thị trường, góp phần tạo hướng đi bền vững trong sản xuất cho người nông dân thành phố./.