Lịch sử hình thành

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ LONG XUYÊN
-----

       Long Xuyên là thành phố loại I thuộc tỉnh An Giang, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 115,36 km2, dân số 286.287 người, có 13 phường, xã (trong đó có 11 phường và 2 xã).
Nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu, bắc giáp huyện Châu Thành, Nam giáp huyện Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ), Đông giáp huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và huyện Chợ Mới, Tây giáp huyện Thoại Sơn, có Cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) nằm giữa dòng sông Hậu quanh năm cây trái xanh tươi, phong cảnh hữu tình, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. 
Trong tiến trình lịch sử của An Giang, Long Xuyên luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa; dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Long Xuyên là một trong những nơi có phong trào đấu tranh kiên cường của đồng bào đô thị. Nơi trung tâm đầu não của địch, nhưng vẫn hình thành một vùng căn cứ cách mạng xã Mỹ Khánh anh hùng và đội vũ trang đánh địch ngay tại sào huyệt của địch, đó là Đội Biệt động Long Xuyên.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XVIII, khi lưu dân người Việt bước chân đến vùng đất An Giang khẩn hoang lập ấp, thì vùng đất Long Xuyên vẫn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm. Năm 1757, tuy chúa Nguyễn lập đạo Châu Đốc ở Hậu Giang nhưng lưu dân người Việt không dám đến ở, lúc đầu chỉ là những đồn trại đóng rải rác và một ít xóm người Việt phần lớn là binh lính. Để tự túc lương thực, họ tiến hành khai phá đất đai chung quanh đồn, rồi dần dần về sau dân chúng đã tự động vào sinh cơ, lập nghiệp ở vùng đất mới, lúc đó chưa có sự cai quản nào của nhà cầm quyền. Đến năm 1780, vùng đất Long Xuyên mới có người Việt đến khai hoang, lập làng, đầu tiên là Châu Trấn Ba (cù lao Ông Hổ).
Năm Kỷ Dậu - 1789, thủ Đông Xuyên được thành lập, đó là một Đồn nhỏ tại vàm sông Tam Khê, vùng đất bên vàm Tam Khê được mang tên Đông Xuyên từ đó và sông Tam Khê cũng được gọi là sông Đông Xuyên (rạch Long Xuyên ngày nay). Ở Long Xuyên, điểm tập trung cư dân đến định cư đông nhất là xung quanh thủ Đông Xuyên (hai bên cầu Duy Tân, Hoàng Diệu ngày nay). Mặt khác, từ khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định năm Mậu Tuất (1788) về sau, vì cần lương thực cung cấp cho chiến tranh, nên công cuộc khai hoang mới được chú ý. Vùng đất Long Xuyên bắt đầu khởi sắc, từ những điểm định cư trước đó, người dân bắt đầu khai phá đất đai, mở rộng diện tích vùng cư trú và phát triển cho đến ngày nay. 
Dưới triều Gia Long (1802 - 1820), tình hình biên giới tương đối lắng dịu, việc khai khẩn bờ phía tây sông Hậu được đẩy mạnh. Để giao thông giữa Vĩnh Thanh và Hà Tiên được dễ dàng, vua Gia Long giao cho Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại tổ chức đào vét sông Đông Xuyên nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá. Sau khi đào xong, ghe thuyền qua lại thuận tiện, đảm bảo việc tưới tiêu, rửa đất, di dân khai thác vùng đất hoang hóa, đồng thời hình thành mạch giao thông thủy ngắn nhất nối liền Đông Xuyên với Kiên Giang thông thương ra biển và ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa. Ở Đông Xuyên mật độ dân tăng dần lên, buôn bán tấp nập nên được gọi là Đông Xuyên Cảng Đạo. Cũng dưới thời vua Gia Long, trên địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay, cư dân khai phá và lập ra thôn Bình Đức, Mỹ Phước vào năm 1818. 
Năm 1805 Gia Long chia Nam bộ làm 5 trấn, vùng đất Long Xuyên thuộc Vĩnh Trấn. Năm 1808, Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh, trấn Vĩnh Thanh có 1 phủ Định Viễn và 4 huyện (Vĩnh Bình, Tân An, Vĩnh An, Vĩnh Định). Địa bàn Long Xuyên dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) nằm ở hai thôn Bình Đức, Mỹ Phước thuộc huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh. Từ đây, vùng đất Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang.
Năm 1868, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính, tỉnh An Giang xưa chia làm 3 hạt tham biện: Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên. Long Xuyên thuộc hạt Châu Đốc, rồi đến năm 1876 thuộc hạt Long Xuyên.
Ngày 27-5-1868, Thống đốc Nam Kỳ “trích các làng thuộc hạt Thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa hạt Thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ và Sa Đéc thành lập hạt Thanh tra thứ 28 là Long Xuyên” , do Thanh tra hải quân Alexandre cai quản. Hạt Thanh tra Long Xuyên lúc bấy giờ được thành lập trên một phần đất đai của huyện Đông Xuyên và huyện Tây Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang cũ; đồng thời, hạt Long Xuyên cũng lấy thêm địa phận các làng Tân Phú, Tân Thạnh trước đó thuộc tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường để lập tổng mới gọi là tổng Phong Thạnh Thượng trực thuộc hạt Thanh tra Long Xuyên. Chợ Đông Xuyên được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của hạt, bởi nó có vị trí quan trọng về phương tiện giao thông. Như vậy, địa danh Long Xuyên xuất hiện từ đây, rồi chợ Đông Xuyên cũng đổi thành chợ Long Xuyên; từ đây Long Xuyên trở thành lỵ sở chính thức hạt Long Xuyên, cũng như tỉnh Long Xuyên hay tỉnh An Giang sau này. 
Ngày 01-01-1900, Toàn quyền Paul Doumer Pháp bãi bỏ các hạt thành tỉnh. Tỉnh An Giang xưa chia làm 5 tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Cấp bậc hành chính mới sẽ là tỉnh, quận (bỏ phủ và huyện), tổng và xã (thay cho các tên thôn xã phường ấp cũ). Năm 1917, địa bàn Long Xuyên hiện nay gồm có 4 xã Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Đến năm 1957, có 5 xã (Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng, Phước Đức, Mỹ Phước, Mỹ Thới) thuộc quận Châu Thành, tỉnh An Giang. 
Về phía chính quyền cách mạng, sau tháng 8 năm 1945 địa bàn Long Xuyên thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 12-9-1947, Long Xuyên thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu theo Chỉ thị 50 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và đến cuối năm 1950 thuộc tỉnh Long Châu Hà. Từ năm 1956, Long Xuyên thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1957 tách ra khỏi huyện Châu Thành, thành lập thị xã Long Xuyên. Theo Quyết định của Thường vụ Trung ương Cục, để phù hợp với yêu cầu cách mạng, sau khi điều chỉnh địa giới các tỉnh, tháng 5 năm 1974, thị xã Long Xuyên thuộc tỉnh Long Châu Hà. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 2-1976, Long Xuyên là thị xã thuộc tỉnh An Giang, với 4 xã Bình Đức, Mỹ Bình, Phước Mỹ và Mỹ Phước. Ngày 27-01-1977 nhập xã Mỹ Thới của huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên, cho đến ngày 01-03-1977, thị xã Long Xuyên gồm 4 phường là Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước và 02 xã Mỹ Hòa, Mỹ Thới. Ngày 23-8-1979, sáp nhập xã Mỹ Hòa Hưng của huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên. Ngày 12-01-1984, thành lập thêm 3 phường, xã: phường Mỹ Xuyên, xã Mỹ Khánh và xã Mỹ Thạnh. Lúc này, thị xã Long Xuyên có 5 phường và 5 xã. 
Ngày 01-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên. Ngày 02-8-1999, xã Mỹ Thạnh, Mỹ Thới được nâng lên thành phường và thành lập mới phường Mỹ Quý và phường Bình Khánh. Ngày 12-4-2005, thành lập thêm phường Đông Xuyên. Ngày 14-04-2009, Chính phủ có Quyết định số 474/QĐ-TTg công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang. Ngày 23-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1078/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Long Xuyên đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang. 
Hiện nay, thành phố Long Xuyên có 13 phường, xã gồm: phường Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Xuyên, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Quý, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Hòa và 2 xã Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh.
Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Xuyên luôn gắn liền với việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà nổi trội trong các truyền thống đó là lòng yêu nước. Vùng đất Long Xuyên tuy là trung tâm của tỉnh lỵ, nơi đặt các cơ quan đầu não của kẻ thù, địch thường xuyên phong tỏa, kiểm soát gắt gao và được xem khó có thể nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng như ở các vùng nông thôn. Nhưng với truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tại Long Xuyên đã có nhiều gia đình và cá nhân vùng lên hưởng ứng các cuộc đấu tranh do các tầng lớp, sĩ phu yêu nước khắp đất nước đứng lên phát động cuộc đấu tranh cứu nước. Tiêu biểu và tự hào của người dân Long Xuyên đó là người thanh niên Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người con của quê hương Mỹ Hòa Hưng - Long Xuyên. Nổi bật trong hai cuộc kháng chiến, là xã Mỹ Khánh Anh hùng, nơi đã thành lập Đội Biệt động Long Xuyên và cũng là căn cứ cách mạng quan trọng của Thị xã ủy Long Xuyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Long Xuyên bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, tổ chức lại cuộc sống dưới chế độ mới; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kiến thiết đô thị, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng phát triển nông thôn, với nhiều khu dân cư, đô thị mới hình thành như: Cải tạo và nâng cấp quảng trường Hai Bà Trưng – Nguyễn Huệ, xây dựng Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Tượng đài Bông Lúa – biểu tượng của tỉnh An Giang; khu hành chính Mỹ Bình; các Khu dân cư Thoại Ngọc Hầu -  Bình Khánh, Cánh đồng hoang, Xẻo Trôm, cồn Phó Quế, Thiên Lộc, Tiến Đạt, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Bắc Hà Hoàng Hổ, Golden City, Tây sông Hậu,… đã làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ theo hướng phát triển văn minh – hiện đại.
LONG XUYÊN THÀNH TỰU HƠN 20 NĂM (1999 - NAY)
Với vị trí trung tâm của tỉnh An Giang, Long Xuyên là một thành phố có điều kiện  và tiềm năng tốt về phát triển thương mại – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành lập thành phố loại III (01-3-1999); giai đoạn 2000 - 2005, nền kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân là 12,5%/năm. Từ một thành phố trẻ vừa mới được thành lập năm 1999, đến năm 2005 Long Xuyên đã trở thành đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất so với các huyện, thị trong nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng đều cả ba khu vực Thương mại – dịch vụ (tăng 11,6%), công nghiệp – xây dựng (tăng 17,1%) và nông nghiệp (giảm từ 8,5% xuống còn 5,9%). Thu ngân sách tăng 4,5% so với nghị quyết, trong đó mỗi năm thành phố dành từ 43 - 45% để tập trung xây dựng cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người từ 7,9 triệu năm 2001 và tăng lên 16 triệu vào năm 2005. 
Điểm nổi bật của Long Xuyên trong giai đoạn này là tập trung triển khai quy hoạch 12 khu vực với 38 đồ án chi tiết với tổng diện tích 2.824 ha, chiếm 35,5% diện tích đô thị. Bước đầu thành phố đã chuyển hướng quy hoạch trên cơ sở huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế. Trong đầu tư xây dựng cơ bản tập trung vào các công trình trọng điểm và bức xúc, giảm dần đầu tư dàn trải; đồng thời bước đầu xã hội hóa nguồn vốn và năng lực các thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có nhiều tiến bộ. giáo dục và đào tạo phát triển nhanh cả quy mô, chất lượng và đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục luôn giữ vững thành tích là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về số lượng, chất lượng giáo dục và học sinh giỏi các cấp, đồng thời hoàn thành sớm nhất chuẩn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, khoa học công nghệ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội … được thành phố đặc biệt quan tâm với nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đời sống Nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách. 
- Giai đoạn 2005 - 2010, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành của toàn Đảng bộ nên kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt khá toàn diện. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 là 14,68% so với chỉ tiêu nghị quyết là 14,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tác động tích cực cho nền kinh tế của thành phố phát triển, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 73%/70,3%, công nghiệp - xây dựng 23,5%/26,8% và nông nghiệp 3,5%/2,9%. GRDP bình quân đầu người năm 2010 là 41 triệu, tăng gấp 2,5 lần năm 2005. 
Đặc biệt là đã hoàn thành tiêu chí đô thị loại 2 theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận vào ngày 14/4/2009.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng có bước chuyển biến khá, thành phố đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để kêu gọi đầu tư và huy động nhiều nguồn vốn để triển khai thực hiện công trình, vốn đầu tư xã hội 5 năm là 12.763 tỷ đồng. Riêng năm 2009 đã thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng 71 công trình. Vận động xã hội hóa thực hiện nhiều công trình nâng cấp, mở rộng giao thông, văn hóa - xã hội phục vụ nhân dân … Các công trình trọng điểm của thành phố được triển khai thực hiện, góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố trong quá trình hoàn thiện tiêu chí đô thị loại II vào năm 2009.
Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ mới, công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, qui mô giáo dục phát triển, mạng lưới trường lớp được mở rộng và kiên cố hóa, đã có 14 trường đạt chuẩn quốc gia, các trường tiểu học đều đạt mức chất lượng tối thiểu; 13/13 trạm y tế phường xã đạt chuẩn quốc gia. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo đối tượng chính sách, người có công, xóa nhà tạm bợ … được chú trọng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,02%. Các chủ trương hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở các phường, xã được đẩy mạnh triển khai, thực hiện.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức từng bước được nâng lên, công việc được giải quyết ngày càng hiệu quả, nhanh chóng thông qua bộ phận một cửa và một cửa liên thông. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đã có chuyển biến tích cực; số đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn giảm đáng kể. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo giữ vững.
Đảng bộ thành phố thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đã tổ chức triển khai quán triệt kịp thời các nghị quyết, kết luận của hội nghị Trung ương và tỉnh. Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội; góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển. 
- Giai đoạn 2010 - 2015, do ảnh hưởng hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức bình quân đạt 10,31%, trong đó khu vực thương mại - dịch vụ đạt 12,95%/15,5%; công nghiệp - xây dựng 6,28%/13,8%, nông nghiệp đạt 0,36%/0,75%; GRDP bình quân đầu người năm 2015 là 96,8 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 3.788 tỉ đồng, hàng năm tăng bình quân 8,92% và dành khoảng 17,56% tổng thu ngân sách chi cho đầu tư phát triển.
Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, luôn giữ vững là một trong các đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục ở các bậc học, tạo nguồn nhân lực cho phát triển; hoàn hành chương trình kiên cố hóa trường lớp, có 20/55 trường đạt chuẩn quốc gia và cở bản hoàn thành đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được quan tâm; các chương trình dạy nghề từng bước gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên địa bàn (đào tạo nghề đạt 103% kế hoạch), đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia giải quyết việc làm cho gần 26.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Các chính sách an sinh xã hội, công tác chăm sóc người có công được thực hiện tốt. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện.
Từ khi được công nhận là đô thị loại II, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Long Xuyên diễn ra khá nhanh, nhiều khu đô thị mới được hình thành, hệ thống hạ tầng đô thị có bước phát triển đáng kể; không gian đô thị không ngừng được mở rộng, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
- Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của thành phố đều giữ vững nhịp độ tăng trưởng ổn định, tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân 5 năm đạt từ 10-12%; thu ngân sách nhà nước đạt 6.036/5.600 tỉ đồng (đạt 107,78%). Từ năm 2019, thành phố được tỉnh giao tự chủ về ngân sách. Bước đầu thực hiện thành phố đã đạt  dự toán tỉnh giao, trong đó các khoản thu cân đối đều vượt so với kế hoạch năm. Ngoài ra, thành phố còn có 5 phường, xã đã tự chủ về ngân sách, gồm: Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Phước, Mỹ Hòa và phường Bình Khánh.   
Công tác quy hoạch, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa, chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ trên địa bàn được đẩy mạnh thực hiện; qua đó đã hoàn chỉnh việc sắp xếp, xây dựng mới hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn các phường xã và hệ thống chợ hiện đại (siêu thị, trung tâm mua bán) ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Bên cạnh, thành phố đầu tư xây dựng các khu chợ chuyên doanh như: nông sản thực phẩm, thủy sản…, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, trao đổi hàng hóa của các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Công tác khuyến thương được thực hiện có hiệu quả; hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được quan tâm giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Thị trường hàng hóa được kiểm soát, tạo môi trường pháp lý tốt cho các cơ sở và doanh nghiệp hoạt động. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp đa mục tiêu gắn với du lịch sinh thái và ứng dụng công nghệ cao, đồng thời hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2018, thành phố được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới .   
Qua 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Long Xuyên có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu về sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 trên 44 triệu đồng/người/năm (tăng gần 30 triệu so với năm 2010, khi chưa xây dựng nông thôn mới). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,31%.
Đặc biệt, thành phố đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đạt chuẩn; các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 97,84% hộ dân sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp… Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị đa mục tiêu, trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của địa phương… bước đầu mang lại hiệu quả.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng đô thị được đẩy mạnh thực hiện . Nhiều công trình xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị được triển khai thực hiện đồng bộ, đã tạo cho thành phố Long Xuyên một diện mạo mới về sự phát triển đi lên của một thành phố trẻ. Các khu dân cư cao cấp như: Khu dân cư Golden city; Tây sông Hậu; Marina Plaza, Sao Mai, khu dân cư đường Lý Thái Tổ nối dài …. cùng với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, kết nối khá đồng bộ giữa các trục dọc, trục ngang, gắn với đề án phát triển đô thị thành phố, nâng cấp 168 tuyến đường chính, chỉnh trang hạ tầng cơ sở khá đồng bộ ; cùng với hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp hoàn chỉnh hoàn chỉnh, đã góp phần hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đăng ký đầu tư trên địa bàn thành phố, hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra diện mạo khang trang, hiện đại của đô thị thành phố Long Xuyên trong tương lai.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, Giáo dục - đào tạo và Y tế đã có bước phát triển nhanh. Thành phố tiếp tục giữ vững là ngọn cờ đầu của ngành về giáo dục và đào tạo với chất lượng ngày càng cao, 100% đội ngũ thầy cô giáo đạt chuẩn, tỉ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp các cấp từ 98% trở lên; đến nay thành phố có 46/56 trường đạt chuẩn quốc gia, (đạt 82,14%) với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. 
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm, chất lượng khám và điều trị được nâng chất, góp phần tạo được niềm tin của người dân thành phố và các khu vực xung quanh. Đến cuối năm 2022 tỷ lệ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93,35% dân số.
Công tác đào tạo, giới thiệu giải quyết việc làm được quan tâm đẩy mạnh thực hiện với chất lượng được nâng lên; lao động có việc làm ổn định, tay nghề cao chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng lao động chung của thành phố . Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể. Với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm về công tác chăm lo cho gia đình có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng trợ cấp xã hội trong thời gian qua được triển khai đầy đủ, kịp thời, đặc biệt lần đầu tiên trong tỉnh, Long Xuyên đã sử dụng quỹ đất công để đầu tư xây dựng các khu dân cư dành cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và cho cán bộ công chức ; cùng với việc thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ kịp thời cho những gia đình kém may mắn bị thiên tai, hỏa hoạn, đã tạo sự lan tỏa tích cực, thu hút đông đảo Nhân dân và các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào công tác chăm lo cho các gia đình khó khăn. Hơn 10 năm qua, thành phố và phường xã đã cất và sửa 1.000 căn nhà đại đoàn kết; gần 400 nhà tình nghĩa. Với cách làm này, thành phố Long Xuyên đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biểu dương và đề nghị nhân rộng.   
Thực hiện phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã tích cực, năng động, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hộ khá, giàu ngày càng tăng, các gia đình chính sách, có công cách mạng đều có cuộc sống từ mức trung bình đến khá, giàu. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 104 hộ (0,14%) và hộ cận nghèo giảm còn 1.671 hộ (2,27%).
Thành phố cũng đã phát động và khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn và được sự đồng tình hưởng ứng rất cao của Nhân dân. Đặc biệt các chương trình phát động về xây dựng cầu đường nông thôn và gần đây là sự tương trợ giúp đỡ Nhân dân trong thành phố, kể cả các huyện, thị và người dân ngoài tỉnh trong đợt di dân về quê tránh dịch bệnh Covid-19. Những tấm lòng cao đẹp, nhân văn đó đã trở thành hình ảnh quen thuộc và là niềm tự hào của người dân Long Xuyên, khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân. 
Thành ủy đã đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng và sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cán bộ . Tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước tiếp tục được củng cố, kiện toàn và tinh gọn; sắp xếp bố trí nhân sự phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực; giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu quả.
Với nhiều kết quả nổi bật khá toàn diện trong thời gian qua, thành phố cũng đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thành phố Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và Quyết định công nhận thành phố Long Xuyên đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang vào ngày 23/7/2020.  
Tóm lại, với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm hiện có trong quá trình đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Long Xuyên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, sớm đưa thành phố Long Xuyên trở thành đô thị Thông minh – Văn minh - Hiện đại, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang và là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu./.


BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY LONG XUYÊN