Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của lịch sử dân tộc Việt Nam, hình ảnh những người lính mãi mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần kiên cường bất khuất. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn của những năm tháng khói lửa vẫn còn in đậm trong ký ức của những người lính ấy – những con người từng cầm súng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Giờ đây, họ không chỉ là nhân chứng sống của lịch sử, mà còn là những “ngọn lửa truyền thống”, lặng lẽ nhưng bền bỉ truyền nhiệt huyết, lý tưởng sống và trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ hôm nay.
Là một trong những thanh niên xung phong đăng kí tham gia thi hành nghĩa vụ quân sự tháng 2/1984, phục vụ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Ông Lê Minh Sơn, thương binh ¼, ngụ khóm Đông Thịnh 1, phường Mỹ Phước đã cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia giúp nước bạn thoát họa diệt chủng của bọn Khmer đỏ. Đầu năm 1985, trong lúc đi làm nhiệm vụ, ông đã bị trúng mìn của giặc Pol Pot phải cưa mất một chân. Đến tháng 6/1985, ông được phục viên về địa phương.
Trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể nằm lại chiến trường, cuộc sống rất khó khăn. Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế” cùng với tinh thần không lùi bước của một người lính, ông đã chống chọi với bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống tự tạo việc làm cho mình và vươn lên phát triển kinh tế bằng công việc đi thu mua phụ tùng xe ô tô để phân phối lại cho các tiệm. Tuy cuộc sống không dư giả, nhưng ông và gia đình mình vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh khi họ nhờ đến mình. Dù đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng ông luôn quan niệm rằng: “đã là một người lính Bộ đội cụ Hồ thì phải luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu thương mãnh liệt để truyền lại cho thế hệ trẻ những giá trị tốt đẹp của dân tộc, những bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm chiến thắng.
Lúc sinh thời Bác Hồ từng dạy “là người cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc để thúc đẩy phong trào, tuyên truyền, vận động mọi người làm theo”. Tâm đắc lời dạy của Người, tuy phải mang trong mình những vết thương lòng và di chứng sau chiến tranh nhung người cựu chiến binh Lương Văn An, ngụ phường Mỹ Thới vẫn bản lĩnh kiên cường với tinh thần lạc quan, ông đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi rào cản để hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới.
Trong việc thực hiện phong trào Cựu chiến binh giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp tại địa phương mình đang sinh sống, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh khóm Trung Thạnh, ông đã tìm cách giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn như: kết nối mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ quà vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ gạo hàng tháng cho những hội viên yếu thế; giúp hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội; vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nhờ đó các hội viên đều làm ăn kinh tế có hiệu quả.
Những mái đầu bạc, những ánh mắt vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến đồng đội, đến Tổ quốc – chính họ là minh chứng sống cho một thời đã qua nhưng chưa từng lãng quên. Và chính từ họ, thế hệ trẻ hôm nay có thể tìm thấy nguồn cảm hứng sống tích cực, sống có lý tưởng và hoài bão, để tiếp nối những giá trị mà cha anh đã vun đắp bằng máu xương. Bạn Trần Thị Thu Hằng, Đoàn viên thanh niên phường Mỹ Thới bày tỏ: “Là thế hệ trẻ, chúng ta có trách nhiệm tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, học tập và rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Chúng ta phải nỗ lực học tập, lao động, cống hiến hết sức mình để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh”.
“Dũng cảm trong thời chiến, gương sáng trong thời bình” - đó là những phẩm chất đáng quý của những người cựu chiến binh ngày xưa. Hiện tại phần lớn trong số hộ đều đã ở độ tuổi “ xưa nay hiếm”, nhưng vẫn luôn muốn cống hiến cho quê hương mình bằng cách này hay cách khác. Và hình ảnh những người cựu chiến binh, những anh hùng thầm lặng kể trên sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ; qua đó, có thể cho chúng ta thấy rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người không cần làm những việc cao xa, mà từ những công việc rất đỗi đời thường, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi người./.