Ngày thế giới phòng chống bệnh Viêm gan virut (28/07)

Viêm gan siêu vi là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhângây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Có 5 loại vi rút viêm gan, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự như vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong các loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

Theo báo cáo của WHO năm 2021, có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút trong đó có 96% là do viêm gan B và viêm gan C mà nguyên nhân chủ yếu là do ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma - HCC) và xơ gan. Ngoài ra, viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan A và E cũng góp phần vào tỷ lệ tử vong do viêm gan vi rút.

Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định, Với viêm gan vi rút C, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Nhờ vào các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả cao hiện có, việc loại bỏ viêm gan siêu vi trên toàn thế giới là một mục tiêu thực tế và đã được tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tán thành. Các mục tiêu kỳ vọng của WHO là kêu gọi giảm 65% tỷ lệ tử vong liên quan đến viêm gan trên toàn thế giới, giảm 90% các ca nhiễm mới và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị quan trọng lên 80% dân số vào năm 2030.

Theo Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, để phòng tránh bệnh viêm gan siêu vi cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức người dân và thực hiện:

Viêm gan vi rút A

- Tiêm phòng vắc xin viêm gan A.

- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.

- Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cần tuân thủ công tác chống lây nhiễm.

Viêm gan vi rút B và D 

- Tiêm phòng vắc xin viêm gan B, đặc biệt là trẻ sơ sinh và đối tượng nguy cơ cao.

- Thực hiện an toàn truyền máu.

- Giáo dục sức khỏe giới tính, quan hệ tình dục an toàn.

- Không tiêm chích ma túy.

- Tư vấn cho các phụ nữ mang thai nhiễm HBV.

Viêm gan vi rút C

- Thực hiện an toàn truyền máu, chú trọng tới nhóm người bệnh cần truyền máu nhiều lần.

- Giáo dục sức khỏe giới tính, quan hệ tình dục an toàn.

- Không tiêm chích ma túy.

Viêm gan vi rút E

- Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.

- Quản lý người mắc bệnh và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

- Vì vậy, để hướng tới mục tiêu loại trừ viêm gan vi rút.

Viêm gan vi rút là bệnh nguy hiểm, biến chứng có thể gây nên xơ gan, ung thư gan, nhưng nếu chúng ta phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và có các biện pháp dự phòng phù hợp sẽ ngăn chặn được diễn tiến nguy hiểm của bệnh. Vì vậy để hướng tới mục tiêu loại trừ viêm gan vi rút cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng là việc hết sức cần thiết.

Văn Công Trí Trung tâm Y tế TPLX