Trong những năm qua thành phố Long Xuyên đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của UBND thành phố, đã tạo được sự phát triển rõ nét. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các hoạt động dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng và thu hút đầu tư được duy trì tăng trưởng. Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đạt được những kết quả tích cực; đời sống nhân dân được nâng lên; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác chỉnh trang đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chủ trương, chính sách, phúc lợi xã hội có những chuyển biến đáng kể; cải cách các thủ tục hành chính được quan tâm; bảo vệ môi trường ngày được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định.
Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện được quan tâm thường xuyên
Các cấp ủy Đảng đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 30- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); các Nghị định của Chính phủ và các kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại địa phương và cộng đồng dân cư, gắn với triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 - CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị, cấp ủy Đảng các cấp trong thành phố luôn xác định rõ vai trò lãnh, chỉ đạo của tổ chức Đảng là yếu tố then chốt bảo đảm việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, hiệu quả.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy Long Xuyên đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành kế hoạch hành động phù họp với tình hình thực tiễn của địa phương qua từng giai đoạn; hằng năm xây dựng chương trình công tác, trong đó xác định nội dung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thủ trưởng các cơ quan thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Các địa phương cũng từng bước hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông qua các hình thức đa dạng: niêm yết tại trụ sở, hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử, fanpage và trang Zalo... Việc triển khai và thực hiện các loại hình Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy sâu rộng trong nội bộ cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân; các phong trào hành động cách mạng được nhân rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của thành phố.
Kết quả đạt được của công tác xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ban tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở các phường, xã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo đảm người dân được biết; bàn và quyết định những vấn đề có liên quan; được tham gia góp ý, quyết định; kiểm tra, giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.
Cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên đổi mới phương thức quản lý, điều hành theo hướng “Gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân ”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. Bộ phận một cửa của thành phố và phường, xã thực hiện tốt cơ chế "Một cửa thân thiện"; đảm bảo thực hiện đầy đủ việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính, quy trình giải quyết và thành phần các hồ sơ hành chính, cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… theo quy định. Thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch về cải cách hành chính hàng năm, đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến để hiện đại hóa quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân.
Thành phố tiếp tục duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố; đồng thời tiếp tục áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia mới hàng năm. Triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ vụ việc các loại và dịch vụ bưu chính công ích. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được duy trì tốt, các văn bản, quy định được niêm yết công khai và thực hiện tốt phương châm “Dân biêt, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giảm sát, dân thụ hưởng”.
Công tác tiếp công dân được duy trì và thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; luôn sâu sát, lắng nghe để kịp thời giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai việc thực hiện và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức các buổi họp tổ, nhóm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực; thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.
Tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến đối với dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế về cây trồng, vật nuôi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn; các chương trình, dự án trên địa bàn; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng...Qua đó, người dân được tham gia vào việc giám sát các vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng do nhân dân đóng góp. Việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo; chính sách hỗ trợ và vay vốn cho hộ nghèo, việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, góp ý xây dựng hương ước, quy ước… được công khai. Việc huy động sức dân để xây dựng các công trình công cộng, các mức đóng góp từ nhân dân, bầu Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, bầu hoặc thay đổi tổ trưởng tổ dân phố... đều được nhân dân bàn và quyết định thông qua các cuộc họp của tổ dân phố.
Thành phố cũng đã xây dựng tốt quy chế phối họp với Ủy ban MTTQ VN và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương. Các vấn đề nảy sinh tại cơ sở đều được giải quyết kịp thời; từ đó đơn thư khiếu nại, tố cáo và đơn thư vượt cấp giảm; bước đầu đã đem lại sự hài lòng cho người dân. Tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, đặc biệt là việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mỗi năm các phường, xã có trên 92% hộ dân đạt gia đình văn hóa.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng cao đã tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, tạo được lòng tin trong nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức có sự đổi mới về tác phong, lề lối làm việc, có ý thức tự giác trong thực thi công vụ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay đời sống người dân ngày càng được cải thiện, cả thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.
Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị. UBND thành phố thường xuyên lãnh, chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã, phường tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức; qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức theo hướng gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân. Phát huy tốt quy trình lấỵ ý kiến của nhân dân trong việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Tổ chức tốt các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân, để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề dư luận quan tâm, đồng thời tạo sự gắn kết và đồng thuận giữa chính quyền với người dân.
Thủ trưởng các đơn vị đều quan tâm kết hợp triển khai thực hiện Quy chế dân chủ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải tiến nội dung phương pháp làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần cởi mở, nhiệt tình, thân thiện, trách nhiệm. Công tác cải cách hành chính và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện khá tốt, không để phát sinh thêm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tương đối khá tốt, như công khai cho người lao động biết kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nội quy, quy chế lao động, quy định của doanh nghiệp, tình hình thực hiện các chế độ chính sách như tuyển dụng, sử dụng lao động, định mức lao động, thang bảng lương, nội dung các thỏa ước lao động tập thể, việc thực hiện đối thoại với người lao động...Qua đó đã giúp cho người lao động nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; từ đó có sự phối hợp thực hiện trong hoạt động kinh doanh, chấp hành các quy định, tham gia góp ý, bổ sung các quy định, đề xuất giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, ...Các doanh nghiệp đều xây dựng quy chế đối thoại, tổ chức đối thoại hàng tháng, quý và đột xuất...bằng nhiều hình thức phù hợp, để ghi nhận những phản ánh, đề xuất của người lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Từ khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; các nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” dần đi vào nền nếp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Qua quá trình triển khai, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có sự chuyển biến rõ rệt. Tinh thần dân chủ được nâng lên, thể hiện trong cách thức lãnh đạo sâu sát; tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuẩn mực, gần dân, vì dân. Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: việc quán triệt, tuyên truyền ở một số nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; năng lực tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc xây dựng, ban hành các quy chế, quy ước, hương ước ở khu dân cư còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Những tồn tại này đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục đồng bộ để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở. Bối cảnh hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, cùng với yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền trong quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.
Vì vậy, cần tếp tục triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử như HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư và trong hoạt động giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các vấn đề cử tri quan tâm.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy vai trò của nhân dân góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến ”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hoá”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới, việc tăng cường dân chủ ở cơ sở và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, với sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính và sự phát triển của công nghệ thông tin, dân chủ phải được phát huy mạnh mẽ hơn, gắn với sự tham gia của người dân trong các quyết định, chính sách của chính quyền; đồng thời đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân. Mục tiêu là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự.