Với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, Long Xuyên trở thành đầu mối giao thương của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với thị trường Campuchia, trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế; kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá nhanh và đúng hướng. Trong những năm gần đây thành phố đang vươn lên mạnh mẽ nhằm phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng và đang đón lấy những cơ hội thuận lợi của những yếu tố bên ngoài.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đã và đang xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm từng bước nâng chất các tiêu chí đô thị loại I, xây dựng đô thị thông minh, cụ thể như: Lập điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2035; đề án phát triển cây xanh đô thị đến năm 2035; kế hoạch phát triển đô thị thông minh thành phố Long Xuyên thực hiện “Đề án An Giang điện tử” và chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…
Công tác huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông được đẩy mạnh thực hiện, qua đó tăng cường duy tu, sửa chữa, quản lý các tuyến đường và biển báo hiệu giao thông được thực hiện đồng bộ. Từ năm 2019- 2023 đã triển khai thực hiện 53 dự án công trình giao thông trọng điểm từ nguồn vốn ngân sách tỉnh với tổng mức vốn 391.913 triệu đồng; đồng thời đã triển khai thực hiện 566 dự án công trình giao thông trọng điểm từ nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn 1.021.109 triệu đồng. Từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, thành phố đã triển khai thực hiện 58 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức vốn 20.843 triệu đồng và từ nguồn vốn kiến thiết thị chính, đã triển khai thực hiện 34 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức vốn 8.040 triệu đồng.
Ngoài ra, triển khai thực hiện dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Long Xuyên để phát triển kinh tế xã hội; trong đó có phát triển du lịch theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố Long Xuyên với những dự án như: Nâng cấp mở rộng tuyến Đầu Lộ - Ông Hổ; đường Trà Mơn - Rạch Rích; tuyến đường liên ấp Mỹ Khánh 2; tuyến đường liên ấp Mỹ Khánh 1, Mỹ Khánh 2 và Mỹ Long 2, nâng cáp tuyến đường từ cầu Tư Cảnh đến phà Ô Môi (xã Mỹ Hòa Hưng) ....
Nhiều công trình, chương trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội, có tính đột phá, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa cầu đường và các tuyến kè, hoàn chỉnh công tác lát gạch vỉa hè các tuyến đường, triển khai sơn kẻ vạch đồng bộ các tuyến đường đã được nâng cấp, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại một số vị trí có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; cải tạo, nâng cấp các công viên,… Công tác lập lại trật tự đô thị được tăng cường thực hiện, hoàn thành danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông.
Công tác xúc tiến đầu tư và du lịch của thành phố được tập trung thực hiện với một số dự án du lịch đã được tỉnh hỗ trợ; đẩy mạnh mời gọi hợp tác và đầu tư trên lĩnh vực du lịch cho thành phố đã và đang điều chỉnh, triển khai trong năm 2021, gồm: Đề án khai thác và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng gắn với chợ nổi Long Xuyên; Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch cồn Phó Ba đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 2036/QĐUBND ngày 03/7/2017. Cồn Phó Ba được định hướng quy hoạch là điểm du lịch sinh thái đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí và du lịch sông nước cho du khách trong và ngoài tỉnh, kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ phục vụ du lịch; Dự án khu đô thị thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và du lịch Mỹ Hòa Hưng của tập đoàn T&T đăng ký tỉnh để triển khai với mục tiêu là hướng đến hình ảnh đô thị trên sông – đô thị sinh thái và di sản.
Xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã thực hiện cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; triển khai tốt, hiệu quả đề án “An Giang điện tử” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong đề án như xây dựng: Chính quyền số, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh… Thành phố còn tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố phát triển hệ thống cáp và trạm phát sóng BTS, nâng cao chất lượng phục vụ; triển khai mạng 5G ở các khu vực trọng điểm, phủ sóng Wifi công cộng tại các khu, điểm du lịch, bến xe, trung tâm mua sắm... Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử, nhất là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh, kiến nghị các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố, tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân nhằm chung tay phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.