Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, Internet và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Đối với học sinh, mạng xã hội không chỉ là công cụ giải trí mà còn là một kênh tiếp cận thông tin, giao lưu học hỏi và thể hiện bản thân. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi gia đình, nhà trường và xã hội cần có những định hướng và biện pháp đồng hành hiệu quả cùng các em.
Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã mở ra một không gian học tập, giao tiếp, giải trí vô cùng phong phú cho học sinh. Thông qua các nền tảng trực tuyến, học sinh có thể dễ dàng truy cập kho tri thức khổng lồ, cập nhật tin tức thời sự, học ngoại ngữ qua các kênh học trực tuyến, tham gia các lớp học kỹ năng mềm, chia sẻ kinh nghiệm học tập với bạn bè cùng trang lứa trong và ngoài nước. Nhiều học sinh ngày nay đã biết tận dụng mạng xã hội một cách tích cực. Việc chia sẻ bài giảng, cùng nhau giải bài tập, lập nhóm thảo luận, hay đơn giản là gửi lời động viên nhau trước mỗi kỳ thi,… đang trở nên phổ biến.
Đi kèm với những lợi ích to lớn ấy là những hệ lụy không nhỏ. Với tâm lý tò mò, thích khám phá, nhưng còn thiếu kỹ năng sống và khả năng phân biệt thông tin, học sinh là nhóm dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nội dung độc hại trên mạng xã hội. Những tin giả, clip bạo lực, các hành vi bắt chước trào lưu nguy hiểm, lối sống thực dụng, lệch chuẩn đạo đức,… đang từng ngày len lỏi vào nhận thức non nớt của các em.
Nhận thức rõ tính cấp thiết của việc giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh, nhiều trường học đã chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng tổ chức các buổi chuyên đề, tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Thông qua các buổi tuyên truyền, học sinh được trang bị kiến thức về mặt lợi – hại của mạng xã hội, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn trên môi trường số, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân, kỹ năng đối mặt và xử lý các tình huống bắt nạt mạng, lừa đảo trực tuyến,... Qua đó, các em học sinh dần có được sự tự chủ và tỉnh táo trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trường học, trong thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã có những cách làm sáng tạo trong việc định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội. Một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố Long Xuyên, chẳng hạn, đã tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin tích cực, giáo dục lý tưởng sống đẹp, cổ vũ tinh thần học tập, khơi gợi niềm tự hào quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Các trang fanpage của đoàn thanh niên các phường, xã đã trở thành kênh kết nối hiệu quả giữa chính quyền và giới trẻ, thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của học sinh – sinh viên. Qua đó, các em không chỉ tiếp cận thông tin chính thống, tránh bị dẫn dắt bởi tin giả mà còn có cơ hội thể hiện bản thân, tham gia các phong trào thi đua học tập – rèn luyện dưới hình thức mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi với tâm lý lứa tuổi.
Đồng hành cùng học sinh trong sử dụng mạng xã hội không phải là một nhiệm vụ nhất thời, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự gắn kết và chung tay của cả gia đình – nhà trường – xã hội. Mỗi học sinh cần được trang bị đầy đủ kỹ năng số, đạo đức số để trở thành những công dân mạng văn minh, biết tự bảo vệ mình và biết lan tỏa những giá trị tích cực trên không gian mạng. Trong thời đại số, việc làm chủ công nghệ là cần thiết, nhưng làm chủ bản thân trong thế giới ảo mới là đích đến quan trọng. Chỉ khi được định hướng đúng đắn và tạo điều kiện phát triển toàn diện, các em mới có thể khai thác tối đa giá trị mà mạng xã hội mang lại, đồng thời tránh được những cạm bẫy, tác động tiêu cực đang ngày càng phổ biến.
Internet và mạng xã hội là xu thế không thể đảo ngược. Thay vì lo lắng và cấm đoán, chúng ta hãy chủ động đồng hành, định hướng, giáo dục để học sinh sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tích cực và có trách nhiệm. Chỉ khi đó, thế giới ảo mới thực sự trở thành môi trường lành mạnh, hữu ích để nuôi dưỡng những công dân trẻ phát triển toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách lẫn kỹ năng sống./.