Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần, thời gian này các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu người dân mua sắm Tết. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người dân, TP.Long Xuyên tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra kiểm soát hàng hóa trên thị trường cũng như việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TP.Long Xuyên triển khai nhiều hoạt động như xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phổ biến kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Khảo sát tại một số siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố, hiện nay, hàng hóa được bày bán đa dạng và phong phú, từ các mặt hàng tươi sống như: thịt, cá, rau, củ, quả đến những mặt hàng bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu phục vụ dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Bên cạnh nhiều loại hàng hóa quen thuộc của các thương hiệu lớn, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, mẫu mã đẹp thì vẫn còn đó tình trạng hàng không đảm bảo chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiện trên địa bàn thành phố có 5.136 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong năm 2023, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đã tiến hành kiểm tra được 1.886 cơ sở, sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó có 04 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 44 triệu đồng. 

Để làm tốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ngành chức năng khuyến cáo người dân nên lựa chọn mua hàng tại các cơ sở uy tín, kiểm tra tem nhãn chứng minh xuất xứ nguồn gốc, chú ý thời hạn sử dụng của thực phẩm. Đối với thực phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, người dân tuyệt đối không nên sử dụng. Đặc biệt, dịp trước và trong Tết, người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa để tránh sử dụng sản phẩm bị mất dinh dưỡng hoặc mốc, hỏng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Thực tế trên cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là chủ đề “nóng” được cả xã hội quan tâm. Bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng thì chính người dân là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các thực phẩm an toàn, kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh… Ðối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo quy định, tạo dựng uy tín, niềm tin với người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho mỗi người trong dịp lễ, Tết./.

Hồng Đào