Thực phẩm an toàn là những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không chứa những tạp chất; chất cấm trong chăn nuôi động vật hay tồn dư của hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, hóa chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, … vượt quá ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
Sử dụng thực phẩm bao gói sẵn tuy tiện lợi nhưng việc chọn lựa và bảo quản nó mới là vấn đề rất quan trọng. Nếu thực phẩm bao gói sẵn không được mua ở của hàng có uy tín, những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc bày bán lẫn lộn tạp chất, hóa chất, sản phẩm có mùi … sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Dưới đây là một số tiêu chí cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm bao gói sẵn cần lưu ý:
Thực phẩm bao gói sẵn
Trước khi mua một loại thực phẩm nào, nhất là thực phẩm đóng hộp, nên dành ra ít phút để xem xét, đọc kỹ nhãn hiệu trước khi quyết định mua. Cách đọc nhãn: Đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm có thời gian sử dụng ngắn dưới 10 ngày, bắt buộc trên nhãn phải ghi ngày giờ đóng gói, phải ghi rõ ngày, tháng và năm hết hạn sử dụng.
Thực phẩm có thể lưu trữ lâu hơn, thì nhãn phải ghi: “ngày tháng đóng gói”, “ngày tháng sản xuất”; “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “hạn bảo quản” hoặc sử dung tốt nhất trước. Còn ghi “hạn sử dụng“, “sử dụng đến ngày”, “hạn bảo quản” là quy định ghi thời gian tối thiểu có thể để bày bán, tính từ ngày đóng gói, bảo quản theo điều kiện đã ghi trên nhãn. Quá thời hạn đó người tiêu dùng phải vứt bỏ, không nên sử dụng.
Trên nhãn ghi là “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì qua ngày đó người tiêu dùng có thể sử dụng được nhưng chất lượng không tốt nhất, nếu mua thì cần cân nhắc vì chất lượng của sản phẩm bạn mua đã giảm.
Vì vậy, các bà nội trợ không được nhầm lẫn giữa hai nhãn “hạn sử dụng” - “sử dụng đến ngày” - “hạn bảo quản” và “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Những điều cần lưu ý và không nên mua
Hộp thực phẩm đã bị phồng. Lỗi này thường gặp ở các hàng quá hạn dùng hay hàng kém chất lượng. Khi hộp chứa bị phồng tức là thức ăn bên trong đã ‘thiu’ và vi khuẩn đã phát sinh trong đó. Các loại hay gặp là: nước trái cây đóng hộp, phô-mai tươi, sữa chua (yaourt)….
Sản phẩm chế biến từ sữa và các hàng thức ăn chế biến ăn ngay (xúc xích, thịt hun khói, các loại chế biến sẵn) không để trong tủ mát. Những loại thực phẩm này bắt buộc phải giữ mát, lạnh, do đó không nên mua các loại thực phẩm này khi nơi bán không bảo quản bằng tủ mát.
Các loại thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh đã quá hạn. Cần xem kỹ hạn dùng, loại thực phẩm này có thể gây ngộ độc thức ăn khi quá hạn dùng.
Những loại thực phẩm đông lạnh đã có nước đá đông dính vào giữa hai túi hoặc có nước đá đông bên trong của túi. Dấu hiệu này chứng tỏ là thực phẩm đã được lấy ra ngoài sau đó tái đông lạnh và có thể bị mất phẩm chất. Nếu bên trong túi thực phẩm có nước đá đông, chứng tỏ nước chảy ra từ chính thực phẩm đó, làm cho mùi và chất lượng thức ăn sẽ bị biến đổi.
Bao bì và túi đựng thực phẩm có dấu xé hoặc dán lại. Có thể thức ăn bên trong đã bị hỏng, hoặc mất chất lượng.
Bảo quản thực phẩm khô
Lạp xưởng, khô hay những món có dầu mỡ... nên treo nơi khô ráo, bao bọc bên ngoài một lớp giấy thấm dầu để hút bớt dầu mỡ. Không treo những món này gần bếp lò, nơi phát ra sức nóng và tránh xa các loại cá khô, mực khô để khỏi nhiễm mùi.
Các loại thuỷ sản khô cũng phải treo riêng. Tốt nhất phía trên cùng treo các loại cá không tẩm gia vị, rồi tới cá có tẩm gia vị, rồi đến lạp xưởng.
Nước tương, nước mắm sử dụng lâu hay bị ướt do có muối bên ngoài, nên phải để chỗ khô thoáng.
Gia vị nếm sẵn như vị lẩu, canh chua, bún riêu, bột nêm... dùng không hết nên bỏ trong lọ, đậy kín nắp cho thêm gói hút ẩm hoặc lót vài miếng giấy thấm.
Dầu ăn tránh để gần chỗ nắng, nhiệt độ cao, nên để nơi thoáng mát. Không đựng dầu trong những vật dụng bằng kim loại, nhất là đồng./.
Hà Văn Dũng TT Y tế TPLX