Bồi dưỡng tình yêu quê hương, biển đảo cho học sinh, sinh viên - Trách nhiệm và niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam

Trong những ngày cuối tháng tư và đầu tháng năm đầy ý nghĩa - khi cả nước hướng về kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tình yêu quê hương, biển đảo lại một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ trong mỗi trái tim người Việt. Với thế hệ trẻ hôm nay, tình cảm ấy không chỉ là cảm xúc tự nhiên mà còn là kết quả của quá trình giáo dục, bồi dưỡng lâu dài ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường. Trong không khí thanh bình của đất nước, khi tiếng súng đã lùi vào quá khứ, trách nhiệm giữ gìn độc lập, chủ quyền thiêng liêng lại đặt lên vai thế hệ học sinh, sinh viên – những mầm xanh của tương lai.

Sinh ra trong thời bình, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay có quyền tự hào khi được thừa hưởng một nền độc lập, một đất nước sạch bóng quân thù, không còn tiếng bom đạn. Nhưng hơn hết, đó là được học tập, tiếp nhận tri thức trong môi trường giáo dục tiến bộ, nơi mà những trang sử vàng son của dân tộc được gìn giữ và truyền tải sống động qua từng bài học, trang sách. Mỗi bài học lịch sử là một câu chuyện cảm động về lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của bao thế hệ cha ông đi trước. Từ trận Bạch Đằng lịch sử đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, từ những tấm gương anh hùng liệt sĩ ngã xuống nơi biên cương, hải đảo đến những người lính hiện đại ngày đêm canh giữ từng con sóng… tất cả đã và đang được giáo dục đến thế hệ trẻ không chỉ bằng kiến thức, mà bằng cả cảm xúc và lòng biết ơn.

Học sinh, sinh viên ngày nay được tiếp cận với kiến thức khoa học và pháp lý quốc tế về chủ quyền biển đảo, được giáo dục sâu sắc về tầm quan trọng chiến lược của biển đảo trong phát triển đất nước. Qua đó, các em ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Tình yêu quê hương, biển đảo không chỉ là cảm xúc nhất thời, đó phải là hành trình dài với sự bền bỉ, kiên định và cả bản lĩnh trí tuệ. Như lời căn dặn của Bác Hồ: “Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó”, mỗi học sinh, sinh viên cần hiểu rõ rằng yêu nước không chỉ bằng cảm xúc, mà còn bằng hành động cụ thể, đúng đắn, phù hợp với pháp luật và bối cảnh thời đại.

Giữa thời đại số, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thông tin đa chiều dễ gây nhiễu loạn, thì việc giữ cho mình một “cái đầu lạnh” là điều vô cùng quan trọng. Học sinh, sinh viên cần tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc về chủ quyền biển đảo, biết cách kiểm chứng, phản biện, và lan tỏa sự thật – đó chính là một dạng “trận tuyến mềm” trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Học sinh, sinh viên là lực lượng nòng cốt của tương lai, là thế hệ tiếp bước sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Với trí tuệ, năng lượng và lòng nhiệt huyết, thế hệ trẻ hôm nay không chỉ có thể lan tỏa tình yêu biển đảo trong cộng đồng mà còn có khả năng đóng góp những sáng kiến mới trong việc bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển bền vững, và quảng bá hình ảnh biển đảo Việt Nam ra thế giới.

Mỗi việc làm, mỗi hành động nhỏ như tham gia các hoạt động dọn rác bờ biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, viết bài chia sẻ kiến thức pháp lý về biển đảo… đều là những đóng góp quý báu cho công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động nhất của tinh thần “giữ nước” trong thời bình. Tình yêu quê hương, biển đảo không phải là điều gì trừu tượng hay xa vời. Nó bắt đầu từ những bài học đầu đời, lớn lên theo từng trang sách, từng chuyến đi, từng hành động cụ thể của thế hệ trẻ. Bồi dưỡng tình yêu ấy cho học sinh, sinh viên không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hơn bao giờ hết, trong hành trình phát triển đất nước, thế hệ trẻ cần được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để mỗi trái tim trẻ Việt đều có thể khắc ghi lời Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Và để biển đảo Việt Nam mãi mãi là một phần máu thịt không thể tách rời của mỗi con người đất Việt./.

Đỗ Nguyên