Long Xuyên hai thế kỹ tạo dựng, ba thập niên thăng tiến
Chào mừng bạn đến với Cổng TTĐT TP Long Xuyên
Long Xuyên hai thế kỹ tạo dựng, ba thập niên thăng tiến
  •  Trung Thứ
  •  23/10/2020
  • A- A A+

Năm 2019, Long Xuyên kỷ niệm 230 năm Đông Xuyên (1789 - 2019); 30 năm bừng khởi chỉnh trang và phát triển đô thị (1989 - 2019); 20 năm thành phố Long Xuyên (1999 - 2019) và 10 năm đô thị loại II (2009 - 2019). Chuỗi dài lịch sử 230 năm tạo dựng và 30 năm bứt phá, tăng tốc để thăng tiến. Thế hệ hôm nay tạc dạ công đức các bậc tiền nhân, các thế hệ tiền nhiệm; đã tận tâm, tận trí, tận lực để quê hương Bác Tôn Long Xuyên khang thịnh và tươi đẹp như hôm nay.

Hơn hai thế kỷ tạo dựng

Đến năm 1780, vùng đất Long Xuyên mới có người Việt đến khai hoang, lập làng, đầu tiên là Châu Trấn Ba (cù lao Ông Hổ). Dấu ấn khai mở, xác lập địa danh vùng đất Đông Xuyên ghi tạc với sự kiện chúa Nguyễn Ánh cho lập Thủ Đông Xuyên vào năm Kỷ Dậu 1789 tại vàm Tam Khê, rồi đổi tên rạch Tam Khê thành rạch Đông Xuyên và vùng đất xung quanh cũng mang tên Đông Xuyên. Tiếp sau đó, Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kinh Thoại Hà vào năm Mậu Dần 1818, mở ra tuyến đường thủy thông thương từ sông Hậu ra biển Tây. Từ đó lập hai làng Bình Đức, Mỹ Phước, qui tụ nhân dân hai bên vàm rạch Đông Xuyên, hình thành bến chợ Đông Xuyên để trao đổi hàng hóa với cac nơi. Những mốc lịch sử này đánh dấu tiến trình khai cơ lập nghiệp trên vùng đất Long Xuyên ngày nay.

Năm 1876, hạt Long Xuyên được thành lập, bắt đầu hình thành trung tâm thương mại khu vực chợ Đông Xuyên thôn Mỹ Phước và trung tâm hành chính thuộc thôn Bình Đức. Từ thời điểm này, khởi đầu địa danh Long Xuyên, đánh dấu vùng đất Long Xuyên ngày nay là lỵ sở của Hạt, rồi của Tỉnh dưới chế độ cũ. Với vị trí này Long Xuyên được chăm lo xây dựng, dù muộn màng so các đô thị tỉnh lỵ lân cận, nhưng cũng có bước tiến, rõ nét nhất giai đoạn 1920- 1930. Đã làm nhiều con đường và cầu phà từ Long Xuyên đi các nơi. Nội ô Long Xuyên được san lắp, mở rộng, đường phố và nhà phố, cửa hiệu nhiều lên, mua bán sung túc hơn. Bên cạnh việc khai mở, phát triển, giai đoạn 1946- 1975 Long Xuyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh do thực dân, đế quốc gây ra. Đô thị Long Xuyên nhỏ hẹp phải oằn mình chịu áp lực của làn sóng cư dân chạy giặc, di tản, bọn du thủ du thực, đám tội phạm và tệ nạn, từ trong tỉnh và các tỉnh lân cận kéo về, đùm núm tạm bợ, ăn xổi ở thì, chọc trời khuấy nước, tạo nên thảm trạng ngột ngạt, bất an và bất ổn tột cùng. Nạn thất nghiệp, nghèo túng, tệ nạn xã hội đeo bám dai dẳng biết bao phận đời cơ cực, lênh đênh như bèo dạt mây trôi, sống chẳng biết ra sao ngày sau.

Hơn mười năm đầu sau giải phóng (1975 – 1988). Một thập kỷ dưới thời bao cấp và ba năm chập chửng đi vào đổi mới. Địa phương tập trung giữ gìn an ninh chính trị, lập lại trật tự kỷ cương, chăm lo và xử lý biết bao bức xúc về đời sống và xã hội, bộ mặt đô thị Long Xuyên chưa cải thiện được mấy. Toàn bộ thị xã chỉ có khoảng hơn chục con đường nội ô ở phường Mỹ Long và Mỹ Bình tương đối thoáng đãng. Còn lại từ nội ô tới ngoại ô, với cả chục ngàn nhà trên sông rạch, nhà ổ chuột, nhà tạm bợ. Từ đó kéo theo kinh tế phát triển chậm chạp, văn hóa xã hội chưa thể tiến nhanh được. Dù vậy, công lao hai hế kỷ tạo dựng, đắp nền xây móng của các thế hệ đi trước rất đáng tôn vinh và trân trọng.

Ba thập niên thăng tiến

Mười năm bừng khởi về cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị (1989 - 1999). Năm 1989, ghi dấu 200 năm Đông Xuyên, Long Xuyên tạc mốc son lịch sử phát triển. Sau thời gian dồn sức di dời, giải tỏa hàng trăm hộ dân ở bãi bồi, đầu tư xây dựng, Thị xã ủy khóa V đã tạc dấu ấn bằng việc dời chợ Long Xuyên với trên một ngàn hộ kinh doanh, về địa điểm mới, khang trang gấp bội phần, một mặt nhìn ra ngả ba vàm rạch Long Xuyên và sông Hậu, một mặt nhìn bao quát nội ô thị xã. Chợ Long Xuyên trở thành nơi bán sỉ qui mô lớn kể cả trong và ngoài tỉnh. Sự kiện này cùng với việc mấy năm trươc đó giải tỏa trên 50 nhà mé sông ở đường Phạm Hồng Thái, dời lên các đường dự định mới mở ở khóm 6 phường Mỹ Long, như hiệu lệnh khởi động giai đoạn bứt phá, tăng toc phát triển trên quê hương Bác Tôn.

Thập niên 1989 – 1999, qua ba nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa V, khóa VI và khóa VII, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên với tinh thần tiến công cách mạng, với quyết tâm sắt đá, với dũng khí lãnh đạo và phương châm hành động “lấy sức dân để lo cho dân”, “đẩy mạnh đô thị hóa, xã hội hóa để ổn định và phát triển” đã tạo nên một cuộc cải biến lớn lao, căn cơ chưa từng có trong lịch sử phát triển của đô thị Long Xuyên.

Những năm 1992 – 1996, cả đô thị Long Xuyên trải ra như một đại công trường, bề bộn và tất bật. Bốn đại công trình đồ sộ mang dấu ấn lịch sử đồng loạt triển khai. Thứ nhất, thổi cát san lấp khai long và vùng bãi bồi, để hình thành khu đô thị mới Thoại Ngọc Hầu – Cồn Phó Quế. Thứ hai, công trình giải tỏa mở rộng quốc lộ 91 đi ngang Long Xuyên dài hơn 16 km. Thứ ba, giải tỏa hàng trăm căn nhà ngổn nghểnh ở khu phía sau khán đài nằm giữa đường Nguyễn Huệ A và đường Nguyễn Huệ B (phường Mỹ Long) để làm công viên. Thứ tư, giải tỏa, di dời 4.500 căn nhà trên sông rạch ở các phường nội ô và phường ven đô, chiếm 3/4 tổng số nhà tren sông rạch trong toàn thị xã và hàng ngàn căn nhà ở các khu ổ chuột, khu hỏa hoạn…Tất cả đều được định cư ở các khu dân cư mới, khang trang và sạch đẹp ở phía Tây đường Trần Hưng Đạo, từ phường Bình Đức xuống tới Mỹ Thới. Qui mô lớn có các khu Xẻo Trôm, Xẻo Chanh, Cánh đồng hoang, Bà Bầu - Ông Mạnh, Yết Kiêu, Tây Khánh, Bình Khánh, Tổng Hợi, khu đường Trần Quang Khải...

Mười năm, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Thị xã ủy đã thực hien cuộc đại chỉnh trang và phát triển, đô thị Long Xuyên, mở ra cho một đô thị khởi sắc, bừng sáng, vượt tiến trên mọi mặt. Từ sự tăng tốc về phát triển đô thị, đã kéo theo một chuỗi tăng tốc về phát triển kinh tế, thang tiến về văn hóa xã hội, bảo đảm về an ninh trật tự. Cả hệ thống chính trị từ thị xã tới phường xã trải qua bước trưởng thành vượt bậc. Từ đó, Long Xuyên được công nhận đô thị loại III và hội đủ các yếu tố để ngày 01 -3-1999, Thủ tướng Chính Phủ ký Nghị định số 09/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang.

Mười năm xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh (1999- 2009 ). Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa VIII, khóa IX đã tiếp tục phát huy tính năng động sáng tạo, đẩy mạnh đô thị hóa theo hướng giàu đẹp gắn với văn minh. Nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm được tiến hành. Những con đường, khu đô thị, khu dân cư ở phía Tây được hình thành, tạo nên trục đô thị mới từ phường Bình Khánh theo đường Thành Thái, Nguyễn Hoàng, nối kết khu hành chính mới của tỉnh và thành phố; rồi đường Ung Văn Khiêm gắn với khu Đại học An Giang và Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh xuống đường Phạm Cự Lượng và phường Mỹ Quý. Hầu hết trường tiểu học và trung học cơ sở, bệnh viện thành phố, các trạm y tế phường xã, nhiều trụ sở làm việc phường xã và khóm ấp, được xây mới. Xây dựng các bia di tích lịch sử, nơi mít- tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công, nơi thành lập chi bộ Long Xuyên- Lấp Vò. Xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa Mỹ Khánh. Đầu tư nâng cấp công viên 8 tháng 3 và đặt tượng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Sơn, cùng với chỉnh trang nhiều công viên, khu giải trí trên địa bàn thành phố. Một thập niên phát triển toàn diện, nổi lên nhiều điểm sáng và mở ra nhiều triển vọng tương lai. Đô thị Long Xuyên đã có trên hai trăm đường phố, gấp hàng chục lần so với lúc mới giải phóng, tốc độ tăng trưởng mọi mặt, tiềm năng kinh tế và tiềm lực phát triển nâng lên tầm cao mới. Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ tiến nhanh theo yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó, năm 2009, Long Xuyên được công nhận đô thị loại II.

Mười năm tiếp tục xây dựng và phát triển theo tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009 – 2019). Công trình trọng điểm bậc nhất được thực hiện, đường Lý Thái Tổ nối dài, nối với đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Linh, gắn kết trục đô thị phía Tây với nội ô, tạo sinh khí mới trong mọi hoạt động. Nhiều đường nội ô và ngoại ô được nâng cấp. Thêm các khu dân cư đô thị. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Thu ngân sách mỗi năm tiến dần tới mức ngàn tỷ. Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đạt kết quả tốt. Các chương trình an sinh xã hội, cất nhà cho người nghèo được đẩy mạnh với phương thức và nhân tố mới.

Ba mươi năm thăng tiến (1989 – 2019), với mười năm bừng khởi tạo đột biến và khởi sắc, hai mươi năm thành phố phát triển. Long Xuyên từ một đô thị kém cỏi rất nhiều mặt, đã bứt phá, vượt qua muôn ngàn gian khó, hãnh tiến là thành phố quê hương Bác Tôn có vị thế và ảnh hưởng trong vùng.
230 năm hình thành và phát triển, một chuỗi dài lịch sử dày công tạo dựng của các bậc tiền hiền khai cơ và hậu hiền lập nghiệp, với những trang sử sáng ngời lưu lại mai sau. Những tên đất, tên sông đã lưu dấu tiên khởi của quê hương xứ sở. Tự hào và nhân lên thành quả các bậc tiền nhân tạo dựng và các thế hệ tiền nhiệm xây dựng phát triển, tin tưởng rằng trong sắp tới Long Xuyên sẽ phát huy tốt truyền thống, tiếp tục năng động sáng tạo, với nhiều dấu ấn sâu đậm trong tiến trình xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang