I- LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT LONG XUYÊN
Trước khi người Việt đến khai phá, vùng đất An Giang nói chung, Long Xuyên nói riêng vẫn còn là “vùng hoang vu, sình lầy, sông rạch chằng chịt, cây rừng rậm rạp”. Vào thế kỷ XVII, do chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn; do nạn sưu cao thuế nặng, nạn bắt phu bắt lính; do sự bóc lột tàn bạo của giai cấp địa chủ; do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt; lưu dân người Việt, phần lớn là những người nông dân nghèo khổ, từ miền Trung vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm vào vùng đất An Giang ngày nay để khai hoang lập nghiệp.
Sau năm Đinh Sửu 1757, khi đạo Châu Đốc, Tân Châu (ban đầu đồn binh đóng tại cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới) được thành lập, lúc đầu chỉ là những đồn trại đóng rải rác và một ít xóm người Việt phần lớn là binh lính. Để tăng cường phòng thủ đạo Châu Đốc, vốn thường xuyên bị quân Xiêm La - Chân Lạp xâm lấn, năm 1789 tại vàm Tam Khê, chúa Nguyễn cho dựng lên một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên (khu vực Plaza Vincom ngày nay) để kiểm soát lưu thông trên sông, ngăn ngừa xâm lăng của giặc từ phía tây, quản lý chủ quyền vùng đất mới mở và bảo vệ cư dân người Việt đến làm ăn sinh sống. Vùng đất bên vàm Tam Khê được mang tên Đông Xuyên từ đó và sông Tam Khê cũng được gọi là sông Đông Xuyên (nay là rạch Long Xuyên).
Khi trật tự an ninh ổn định, cư dân người Việt tự động hoặc theo chính sách di dân đến vùng đất Long Xuyên khai hoang lập thôn ấp. Theo Nguyễn Văn Hầu: “các thôn ấp lẻ tẻ đó bao giờ cũng được lập nên chung quanh các doanh trại, các đồn bảo gần bờ rạch, ven sông”. Ở Long Xuyên, điểm tập trung cư dân đến định cư sớm nhất xung quanh ngã ba sông Hậu và rạch Long Xuyên (khu vực chợ Mỹ Long ngày nay). Đến cuối thế kỷ XVIII, dân cư còn rất thưa thớt, đất hoang còn nhiều bởi ở đây địa thế trũng thấp, khí hậu khắc nghiệt.
Dưới triều Gia Long (1802-1820), tình hình biên giới tương đối lắng dịu, việc khai khẩn bờ phía tây sông Hậu được đẩy mạnh, sự xâm nhập của cư dân người Việt vào vùng đất Long Xuyên ngày càng mạnh mẽ hơn do triều Nguyễn ban hành nhiều chỉ dụ khuyến khích mọi người khai hoang với các thủ tục dễ dãi, “người dân tự lựa chọn nơi khai phá”, cho vay thóc giống, cho miễn thuế người đi khai phá đất hoang với thời hạn 3 năm. Mặt khác, để giao thông giữa Vĩnh Thanh và Hà Tiên được dễ dàng trong mùa khô, vua Gia Long giao cho Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại tổ chức đào vét kinh Thoại Hà nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá vào năm 1818. Sau khi đào xong, ghe thuyền qua lại thuận tiện; đảm bảo việc tưới tiêu, rửa đất, di dân khai thác vùng đất hoang hóa; ở Đông Xuyên (Long Xuyên) dân số tăng lên, buôn bán tấp nập nên được gọi là Đông Xuyên cảng đạo.
Cũng dưới thời vua Gia Long, trên địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay, cư dân đến khai phá và lập ra thôn Bình Đức, Mỹ Phước. Về địa giới, thôn Bình Đức nằm bên tả ngạn sông Đông Xuyên ăn lên đến tận thôn Bình Lâm (vùng Năng Gù, Bình Thủy) và ăn sâu đến vùng Ba Thê, Núi Sập. Còn thôn Mỹ Phước nằm bên hữu ngạn sông Đông Xuyên cũng ăn sâu và xuống vùng Cái Sắn.
Đến nửa đầu thế kỷ XIX, sự xâm nhập của lưu dân người Việt vào vùng đất thôn Mỹ Phước mạnh mẽ hơn. Họ tiếp tục lấn dần vào vùng đất hoang. Nhiều thôn mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ thôn cũ, địa giới thôn Bình Đức và Mỹ Phước thu hẹp dần. Theo Địa bạ An Giang năm 1836 ghi, thôn Bình Đức được xác định phía Đông giáp sông lớn, phía Tây giáp với rạch Tầm Vu, thôn Vĩnh Thuận và rừng; phía Nam giáp với rạch Đông Xuyên, nhìn sang thôn Mỹ Phước; phía Bắc giáo với rạch Trà Ôn, gồm các phường Bình Khánh, Bình Đức và xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng ngày nay. Thôn Mỹ Phước phía đông giáp sông lớn, phía tây giáp thôn Phú Hòa và rừng, phía nam giáp thôn Mỹ Đức và rừng, phía bắc giáp rạch Đông Xuyên và nhìn sang thôn Bình Đức. Thôn Mỹ Phước lúc này có phạm vi rất rộng bao gồm phường Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Mỹ Hòa, Mỹ Thới và phường Mỹ Thạnh ngày nay.
Tóm lại, vùng đất định cư đầu tiên của người Việt ở Long Xuyên là Châu Trấn Ba (Cù lao Ông Hổ). Về sau, cư dân tìm đến vàm Đông Xuyên để trú ngụ, khai phá ruộng đất, lập làng. Quá trình hình thành các cụm dân cư người Việt ở Long Xuyên phát triển theo tuyến từ Châu Trấn Ba (Cù lao Ông Hổ) qua vàm Đông Xuyên lên Bình Đức, xuống Mỹ Thạnh, rồi vào Mỹ Hòa.
II- ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
1. Địa giới hành chính phường Mỹ Long
Ngày 1-5-1975, cùng với thị xã Long Xuyên, xã Mỹ Phước hoàn toàn được giải phóng. Tháng 6-1975, xã Mỹ Phước tách thành hai xã Phước Mỹ và Mỹ Phước; vùng đất Mỹ Long thuộc xã Phước Mỹ, gồm có 4 ấp: Đông An 4, 5 và ấp 6, 7. Theo Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được lập lại, xã Phước Mỹ thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 1-3-1977, theo Quyết định số 239/TCUB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, xã Phước Mỹ đổi thành phường Mỹ Long thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Phường Mỹ Long có 4 khóm: khóm 4, 5, 6, 7.
Ngày 12-1-1984, theo Quyết định số 08/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tách khóm 4, khóm 7 của phường Mỹ Long và một phần ấp Tây Khánh A của xã Mỹ Hòa thành lập phường Mỹ Xuyên. Phường Mỹ Long còn lại 2 khóm: khóm 5 và khóm 6.
Năm 1992, phường tiếp nhận khóm Phó Quế từ phường Mỹ Phước, đồng thời tách khóm 6 thành hai khóm: khóm 4 và khóm 6. Phường Mỹ Long có 4 khóm: khóm 4, khóm 5, khóm 6, khóm Phó Quế.
Năm 1997, phường tách khóm 5 thành hai khóm: khóm 1 và khóm 2; tách khóm 4 thành hai khóm: khóm 3 và khóm 4; tách khóm 6 thành ba khóm: khóm 5, khóm 6 và khóm 7.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên, phường Mỹ Long thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Hiện nay, phường Mỹ Long có 8 khóm: khóm 1, khóm 2, khóm 3, khóm 4, khóm 5, khóm 6, khóm 7 và khóm Phó Quế.
Về vị trí địa lý, phía đông giáp xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu, phía tây giáp phường Mỹ Xuyên, phía nam giáp phường Mỹ Phước, phía bắc giáp phường Mỹ Bình được ngăn cách bởi rạch Long Xuyên. Tổng diện tích đất tự nhiên 123,27 ha, hầu hết là đất đô thị.
2. Địa giới hành chính phường Mỹ Phước
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), xã Mỹ Phước được chia tách để thành lập các phường, xã mới phường Mỹ Long, Mỹ Hoà, Mỹ Quý.
Theo Quyết định số 239/TCUB, ngày 1-3-1977 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, xã Mỹ Phước đổi thành phường Mỹ Phước với 6 khóm, gồm: Đông Thịnh A1, Đông Thịnh A2, Đông Thịnh B1, Đông Thịnh B2, Mỹ Quới và khóm Phó Quế; năm 1992, thị xã Long Xuyên tiến hành san lấp kênh đã gắn cồn Phó Quế với đất liền và khóm Phó Quế được nhập vào phường Mỹ Long.
Năm 1998, phường Mỹ Phước tiến hành điều chỉnh và đổi tên các khóm, từ 5 khóm thành 8 khóm, gồm: Đông Thịnh 1, Đông Thịnh 2, Đông Thịnh 3, Đông Thịnh 4, Đông Thịnh 5, Đông Thịnh 6, khóm Mỹ Lộc và khóm Mỹ Quới.
Ngày 2-8-1999, Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP thành lập phường Mỹ Quý trên cơ sở 472,22 ha diện tích tự nhiên và 9.983 nhân khẩu của phường Mỹ Phước. Sau khi ddieuf chỉnh, phường Mỹ Phước còn 369,35 ha diện tích tự nhiên và 24.459 nhân khẩu, gồm 7 khóm: Đông Thịnh 1, Đông Thịnh 2, Đông Thịnh 3, Đông Thịnh 4, Đông Thịnh 5, Đông Thịnh 6 và khóm Mỹ Lộc.
Ngày 9-6-2006, phường Mỹ Phước tiếp tục chia tách các khóm. Theo đó đến nay, trên địa bàn phường gồm 10 khóm, gồm: Đông Thịnh 1, Đông Thịnh 2, Đông Thịnh 3, Đông Thịnh 4, Đông Thịnh 5, Đông Thịnh 6, Đông Thịnh 7, Đông Thịnh 8, Đông Thịnh 9 và khóm Mỹ Lộc.
Về vị trí địa lý, phía đông giáp xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu, phía tây giáp phường Mỹ Hòa, phía nam giáp phường Mỹ Quý, phía bắc giáp phường Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên. Tổng diện tích đất tự nhiên 429,56 ha.
3. Địa giới hành chính phường Mỹ Hòa
Năm 1818, thôn Mỹ Phước được thành lập; vùng đất Mỹ Hòa thuộc thôn Mỹ Phước, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Mỹ Hòa thuộc thôn Mỹ Phước, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Theo Nghị định ngày 5-1-1876, thực dân Pháp bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh thời Nguyễn, chia thành 4 khu vực với 19 hạt Tham biện, tên thôn đổi thành làng; vùng đất Mỹ Hòa thuộc làng Mỹ Phước, tổng Định Phước, hạt Tham biện Long Xuyên.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143/NV thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ và đổi tên làng thành xã; vùng đất Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Phước, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về phía chính quyền cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, vùng đất Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.
Năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, vùng đất Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Cũng trong năm này, tách xã Mỹ Phước, Bình Đức của huyện Châu Thành để thành lập thị xã Long Xuyên; vùng đất Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Phước, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang cho đến ngày giải phóng.
Ngày 1-5-1975, cùng với thị xã Long Xuyên, vùng đất Mỹ Hòa hoàn toàn được giải phóng. Theo Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được lập lại, vùng đất Mỹ Hòa thuộc xã Mỹ Phước, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 1-3-1977, theo Quyết định số 239/TCUB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, xã Mỹ Hòa được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Mỹ Phước và Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên. Xã Mỹ Hòa có 4 ấp: Tây Khánh A, Tây Khánh B, Tây Huề và Bình Hòa.
Ngày 12-1-1984, theo Quyết định số 08/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tách khóm 4, khóm 7 của phường Mỹ Long và một phần ấp Tây Khánh A (đoạn từ rạch Bà Bầu đến rạch Ông Mạnh) của xã Mỹ Hòa thành lập phường Mỹ Xuyên; tách ấp Bình Hòa của xã Mỹ Hòa và một phần khóm Bình Khánh của phường Bình Đức thành lập xã Mỹ Khánh. Sau khi điều chỉnh địa giới hình chính, xã Mỹ Hòa có 3 ấp: Tây Khánh A, Tây Khánh B, Tây Huề. Năm 1992, ấp Tây Khánh B tách thành 2 ấp: Tây Khánh B1 và Tây Khánh B2.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên, xã Mỹ Hòa thuộc thành phố Long Xuyên; xã Mỹ Hòa điều chỉnh từ 4 ấp thành 8 ấp: Tây Khánh 1, Tây Khánh 2, Tây Khánh 3, Tây Khánh 4, Tây Khánh 5, Tây Khánh 6, Tây Huề 1, Tây Huề 2.
Ngày 12-4-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2005/NĐ-CP, theo đó thành lập phường Mỹ Hòa thuộc thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Mỹ Hòa.
Hiện nay, phường Mỹ Hòa có 11 khóm: Tây Khánh 1, Tây Khánh 2, Tây Khánh 3, Tây Khánh 4, Tây Khánh 5, Tây Khánh 6, Tây Khánh 7, Tây Khánh 8, Tây Huề 1, Tây Huề 2, Tây Huề 3.
Về vị trí địa lý, phía Đông giáp phường Mỹ Bình, Đông Xuyên, Mỹ Phước, Mỹ Quý; phía Tây giáp thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn); phía Nam giáp phường Mỹ Thới, xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn); phía Bắc giáp xã Mỹ Khánh, phường Bình Khánh được ngăn cách bởi rạch Long Xuyên. Tổng diện tích đất tự nhiên 1.629,07 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.135,59 ha, chiếm 69,71%; còn lại là đất đô thị.
4. Địa giới hành chính phường Mỹ Thới
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Mỹ Thới thuộc thôn Mỹ Thạnh, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm 1868, sau khi chiếm Nam Kỳ, Pháp thiết lập đơn vị hành chính mới, lúc này vùng đất Mỹ Thới thuộc thôn Mỹ Thạnh, tổng Định Phước, hạt Thanh tra Châu Đốc. Năm 1868, vùng đất Mỹ Thới thuộc thôn Mỹ Thạnh, tổng Định Phước, hạt Thanh tra Long Xuyên.
Ngày 1-1-1900, vùng đất Mỹ Thới thuộc làng Mỹ Thạnh, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1934, hai làng Mỹ Thạnh và Thới Tây Trung nhập lại thành làng Mỹ Thới.
Dưới ngụy quyền Sài Gòn, xã Mỹ Thới thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1948, Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu; đến năm 1950 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.
Tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève, Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc; xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang; xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày miền Nam giải phóng, xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với 6 ấp: Tây Thạnh, Tây An, Long Hưng, Đông Thạnh, Thới Thạnh và Thới An.
Ngày 27-1-1977, xã Mỹ Thới nhập vào thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 12-1-1984, theo Quyết định số 08/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tách các ấp Đông Thạnh, Thới Thạnh, Thới An và một phần hai ấp Long Hưng của xã Mỹ Thới thành lập xã Mỹ Thạnh. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, xã Mỹ Thới có 3 ấp: Tây Thạnh, Tây An, Long Hưng.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên, xã Mỹ Thới thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 2-8-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP thành lập phường Mỹ Thới trên cơ sở toàn bộ toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Mỹ Thới. Phường Mỹ Thới có 9 khóm: Tây Thạnh, Trung Thạnh, Thạnh An, Tây An, Trung An, An Hưng, Trung Hưng, Long Hưng 1, Long Hưng 2.
Năm 2008, theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tách khóm An Hưng thành 2 khóm An Hưng và khóm An Thới.
Hiện nay, phường Mỹ Thới có 10 khóm: Tây Thạnh, Trung Thạnh, Thạnh An, Tây An, Trung An, An Thới, An Hưng, Trung Hưng, Long Hưng 1, Long Hưng 2. Trụ sở Ủy ban nhân dân phường Mỹ Thới, số 2 đường Trần Quang Khải, khóm Trung An.
Về vị trí địa lý, phía Đông giáp xã Hòa Bình, Hòa An (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu, phía Tây giáp xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), phía Nam giáp phường Mỹ Thạnh, phía Bắc giáp phường Mỹ Quý và phường Mỹ Hòa. Tổng diện tích tự nhiên là 2.138,8 ha.
5. Địa giới hành chính phường Mỹ Thạnh
Dưới triều Gia Long (1802-1820), năm 1820 thôn Mỹ Thạnh được thành lập, thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; thôn Mỹ Thạnh thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm 1868, dưới chế độ của thực dân Pháp vùng đất Mỹ Thạnh thuộc thôn Thới Tây Trung, tổng Định Phước, hạt Thanh tra Châu Đốc. Năm 1868, vùng đất Mỹ Thạnh thuộc thôn Thới Tây Trung, tổng Định Phước, hạt Thanh tra Long Xuyên. Đến năm 1876, vùng đất Mỹ Thạnh thuộc làng Thới Tây Trung, tổng Định Phước, hạt Tham biện Long Xuyên. Năm 1899, Mỹ Thạnh thuộc làng Thới Tây Trung, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.
Theo Nghị định ngày 27-11-1934, hai làng Mỹ Thạnh và Thới Tây Trung nhập lại thành làng Mỹ Thới, có 6 ấp: Tây Thạnh, Tây An, Long Hưng, Đông Thạnh, Thới An và Thới Thạnh; vùng đất Mỹ Thạnh ngày nay nằm trên ba ấp Đông Thạnh, Thới An, Thới Thạnh thuộc làng Mỹ Thới.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên cũ và đổi tên làng thành xã; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1948, thực hiện Chỉ thị số 50/CT của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu. Năm 1950, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà, Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.
Năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành X, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành X, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngày 27-1-1977, xã Mỹ Thới nhập vào thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang; vùng đất Mỹ Thạnh thuộc xã Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 12-1-1984, theo Quyết định số 08/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tách các ấp Đông Thạnh, Thới An, Thới Thạnh và một phần hai ấp Long Hưng của xã Mỹ Thới thành lập xã Mỹ Thạnh. Sau khi thành lập, xã Mỹ Thạnh có thành 4 ấp: Đông Thạnh, Thới An, Thới Hòa và Thới Thạnh.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên, xã Mỹ Thạnh thuộc thành phố Long Xuyên. Trong tháng 3-1999, xã Mỹ Thạnh từ 4 ấp tách ra thành 9 ấp: Đông Thạnh, Đông Thạnh A, Đông Thạnh B, Thới An, Thới An A, Thới Hòa, Hòa Thạnh, Thới Thạnh, Hưng Thạnh.
Ngày 2-8-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP thành lập phường Mỹ Thạnh. Phường Mỹ Thạnh có 9 khóm: Đông Thạnh, Đông Thạnh A, Đông Thạnh B, Thới An, Thới An A, Thới Hòa, Hòa Thạnh, Thới Thạnh và Hưng Thạnh cho đến ngày nay.
Phường Mỹ Thạnh là một phường ngoại ô, cửa ngõ của thành phố Long Xuyên. Về vị trí địa lý, phía Đông giáp xã Hòa An (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu, phía Tây giáp xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), phía Nam giáp phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) được ngăn cách bởi kênh Cái Sắn và xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), phía Bắc giáp phường Mỹ Thới. Tổng diện tích tự nhiên 1.389,82 ha, trong đó khoảng có 844 ha đất sản xuất nông nghiệp ở 6 khóm Đông Thạnh, Đông Thạnh A, Thới An A, Hòa Thạnh, Thới Thạnh và Hưng Thạnh.
6. Địa giới hành chính phường Mỹ Bình
Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), năm 1818 thôn Bình Đức được thành lập, vùng đất Mỹ Bình thuộc thôn Bình Đức, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Mỹ Bình thuộc thôn Bình Đức, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm 1868, dưới chế độ thực dân Pháp, vùng đất Mỹ Bình thuộc thôn Bình Đức, tổng Định Thành, hạt Thanh tra Châu Đốc, sau đó thuộc hạt Thanh tra Long Xuyên. Năm 5-1-1876, vùng đất Mỹ Bình thuộc làng Bình Đức, tổng Định Thành Hạ, hạt Tham biện Long Xuyên.
Ngày 1-1-1900, vùng đất Mỹ Bình thuộc làng Bình Đức, tổng Định Thành Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Lúc này, làng Bình Đức có 5 ấp: Bình Long, Bình Khánh, Bình Hòa, Bình Thới, Bình Thạnh. So với địa giới hành chính hiện nay, phường Mỹ Bình nằm trên địa bàn ấp Bình Long xưa.
Dưới thời chính quyền Sài Gòn, theo Sắc lệnh 143/VN ngày 22-10-1956 của Ngô Đình Diệm, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc cũ và đổi tên làng thành xã; vùng đất Mỹ Bình nằm trên địa bàn ấp 1, 2, 3 của xã Phước Đức, tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh An Giang (lỵ sở tỉnh An Giang đặt tại xã Phước Đức, nay thuộc phường Mỹ Bình). Ngày 14-1-1959, xã Phước Đức bị giải thể, sáp nhập vào xã Mỹ Phước; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Mỹ Phước, tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, bỏ danh xưng quận và gọi thay thế bằng huyện; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 6-3-1948, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30-10-1950, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.
Năm 1954, vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Phước Đức, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Cũng trong năm 1957, tách một phần đất của huyện Châu Thành để thành lập thị xã Long Xuyên; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; vùng đất Mỹ Bình thuộc xã Bình Đức, thị xã Long Xuyên, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1974), xã Mỹ Bình được thành lập trên cơ sở tách ra từ ấp Bình Long 1, Bình Long 2, Bình Long 3 của xã Bình Đức. Theo Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được lập lại, xã Mỹ Bình thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngày 1-3-1977, theo Quyết định số 239/TCUB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, xã Mỹ Bình đổi thành phường Mỹ Bình. Phường Mỹ Bình có 3 khóm: Bình Long 1, Bình Long 2, Bình Long 3.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên; phường Mỹ Bình thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Hiện nay, phường Mỹ Bình có 5 khóm: Bình Long 1, Bình Long 2, Bình Long 3, Bình Long 4 và Nguyễn Du.
Phường Mỹ Bình là phường trung tâm thành phố Long Xuyên. Về vị trí địa lý, phía Đông giáp xã Mỹ Hòa Hưng được ngăn cách bởi sông Hậu, phía Tây giáp phường Mỹ Hòa được ngăn cách bởi rạch Long Xuyên, phía Nam giáp phường Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên được ngăn cách bởi rạch Long Xuyên, phía Bắc giáp phường Bình Khánh được ngăn cách bởi kênh Cầu Máy. Tổng diện tích đất tự nhiên 161 ha (1,61 km2) là đất đô thị.
7. Địa giới hành chính phường Bình Đức
Dưới triều Gia Long (1802-1820), thôn Bình Đức thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, năm 1868 thực dân Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính mới, tỉnh An Giang xưa chia làm 3 hạt Thanh tra Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên; thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành, hạt Thanh tra Châu Đốc. Ngày 27-5-1868, thực dân Pháp lấy các thôn thuộc hạt Thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa hạt Thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ, Sa Đéc thành lập hạt Thanh tra Long Xuyên; thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ, hạt Thanh tra Long Xuyên.
Theo Quyết định ngày 26-9-1871, thực dân Pháp chia thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ gồm 3 cù lao và một dải đất liền thành 2 thôn: thôn Mỹ Hội Tiểu (gồm 2 cù lao) và thôn Bình Đức là phần còn lại.
Theo Nghị định ngày 5-1-1876, thực dân Pháp bỏ Nam Kỳ lục tỉnh thời Nguyễn, chia ra thành 4 khu vực Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac và đổi tên thôn thành làng. Khu vực Bassac có 6 hạt Tham biện Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn, Sóc Trăng; làng Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ, hạt Tham biện Long Xuyên. Lỵ sở hạt Tham biện Long Xuyên đặt tại làng Bình Đức (nay thuộc phường Mỹ Bình).
Ngày 1-1-1900, Toàn quyền Paul Doumer áp dụng Nghị định 20-12-1899, thực dân Pháp bãi bỏ hạt Tham biện thành tỉnh; cấp bậc hành chính mới sẽ là: tỉnh, quận (bỏ phủ và huyện), tổng và xã (thay cho các tên thôn xã phường ấp cũ); làng Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Lúc này, làng Bình Đức có 5 ấp: Bình Long, Bình Thới, Bình Khánh, Bình Hòa, Bình Thạnh.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc cũ và đổi tên làng thành xã; xã Bình Đức thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Lỵ sở tỉnh An Giang vẫn đặt tại xã Bình Đức.
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, bỏ danh xưng quận và gọi thay thế bằng huyện; xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 6-3-1948, thực hiện Chỉ thị số 50/CT của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30-10-1950, Theo Nghị định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà; xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.
Tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ), Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc; xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Cũng trong năm này, tách một phần đất của huyện Châu Thành để thành lập thị xã Long Xuyên; xã Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; xã Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; xã Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), xã Bình Đức tách ấp Bình Long để thành lập xã Mỹ Bình (nay là phường Mỹ Bình). Theo Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được lập lại, xã Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1977, xã Bình Đức đổi thành phường Bình Đức. Phường Bình Đức có 3 khóm: Bình Thới, Bình Khánh, Bình Thạnh.
Ngày 25-4-1979, theo Quyết định số 181-CP của Hội đồng Chính phủ tách ấp Hòa Long, ấp Hòa Phú, một phần ấp Bình Phú của xã Bình Hòa, một phần của khóm Bình Thạnh (từ xép Bà Lý trở lên phía bắc) của phường Bình Đức lập thành thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành.
Ngày 12-1-1984, theo Quyết định số 08/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tách ấp Bình Hòa của xã Mỹ Hòa và một phần khóm Bình Khánh của phường Bình Đức thành lập xã Mỹ Khánh. Năm 1990, phường Bình Đức điều chỉnh từ 3 khóm thành 7 khóm: khóm Bình Thới tách thành 3 khóm Bình Thới 1, Bình Thới 2, Bình Thới 3; khóm Bình Khánh tách thành 2 khóm Bình Khánh 1, Bình Khánh 2; khóm Bình Thạnh tách thành 2 khóm Bình Thạnh 1, Bình Thạnh 2.
Năm 1998, phường Bình Đức tiến hành điều chỉnh và đổi tên một số khóm. Phường từ 7 khóm thành 14 khóm: Bình Thới 1, Bình Thới 2, Bình Thới 3, Bình Khánh 1, Bình Khánh 2, Bình Khánh 3, Bình Khánh 4, Bình Khánh 5, Bình Đức 1, Bình Đức 2, Bình Đức 3, Bình Đức 4, Bình Đức 5, Bình Đức 6.
Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên; phường Bình Đức thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 2-8-1999, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP tách các khóm Bình Thới 1, Bình Thới 2, Bình Thới 3, Bình Khánh 1, Bình Khánh 2, Bình Khánh 3, Bình Khánh 4, Bình Khánh 5 của phường Bình Đức để thành lập phường Bình Khánh.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phường Bình Đức còn lại 6 khóm Bình Đức 1, Bình Đức 2, Bình Đức 3, Bình Đức 4, Bình Đức 5, Bình Đức 6 như hiện nay.
Phường Bình Đức là một phường ngoại ô của thành phố Long Xuyên. Về vị trí địa lý, phía Đông giáp xã Mỹ Hòa Hưng được ngăn cách bởi sông Hậu, phía Tây giáp xã Hòa Bình Thạnh (huyện Châu Thành), phía Nam giáp phường Bình Khánh, phía Bắc giáp thị trấn An Châu (huyện Châu Thành). Tổng diện tích đất tự nhiên là 1.161,45 ha; trong đó diện tích đất đô thị 82,38 ha, diện tích trồng lúa 708,09 ha, đất trồng cây hoa màu 0,05 ha, đất trồng cây ăn trái 106,3 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 25,09 ha.
8. Địa giới hành chính xã Mỹ Hòa Hưng
Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), vùng đất Mỹ Hòa Hưng thuộc thôn Bình Đức, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Mỹ Hòa Hưng thuộc thôn Bình Đức, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm 1868, thực dân Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính mới, tỉnh An Giang xưa chia làm 3 hạt Thanh tra: Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên; vùng đất Mỹ Hòa Hưng thuộc thôn Bình Đức, tổng Định Thành, hạt Thanh tra Châu Đốc, sau đó thuộc thôn Bình Đức, tổng Định Thành, hạt Thanh tra Long Xuyên.
Theo Quyết định ngày 26-9-1871, thực dân Pháp chia thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành Hạ gồm 3 cù lao và một dải đất liền thành 2 thôn: thôn Mỹ Hội Tiểu (gồm 2 cù lao) và thôn Bình Đức là phần còn lại; vùng đất Mỹ Hòa Hưng thuộc thôn Mỹ Hội Tiểu.
Theo Nghị định ngày 05-01-1876, thực dân Pháp bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh thời Nguyễn, hạt Thanh tra được thay tên bằng hạt Tham biện, tên thôn đổi thành làng; vùng đất Mỹ Hòa Hưng nằm trên 3 làng Mỹ Hội Tiểu (tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên), một phần làng An Hòa (tổng An Phú, hạt Long Xuyên), làng Hưng Châu (tổng An Lương, hạt Châu Đốc). Theo Quyết định ngày 02-11-1876 chuyển làng Hưng Châu qua tổng Định Hòa, hạt Tham biện Long Xuyên.
Ngày 01-01-1900, Toàn quyền Paul Doumer áp dụng Nghị định 20-12-1899, Pháp bãi bỏ các hạt thành tỉnh. Cấp bậc hành chính mới sẽ là: tỉnh, quận (bỏ phủ và huyện), tổng và làng (thay cho các tên thôn xã phường ấp cũ); vùng đất Mỹ Hòa Hưng nằm trên 3 làng Mỹ Hội Tiểu (tổng Định Thành Hạ), Hưng Châu (tổng Định Hòa), một phần làng An Hòa (tổng An Phú) thuộc tỉnh Long Xuyên.
Theo Nghị định ngày 07-11-1916, Pháp nhập làng Mỹ Hội Tiểu (tổng Định Thành Hạ), làng Hưng Châu (tổng Định Hòa) và một phần làng An Hòa (tổng An Phú) trên cù lao Ông Hổ thành làng Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành Hạ (ngày 01-4-1917 đổi tên thành tổng Định Thành), quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Làng Mỹ Hòa Hưng có 6 ấp: Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh, Mỹ Long, Mỹ An, Mỹ Thạnh.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chính quyền tay sai tiếp tục duy trì các đơn vị hành chính cũ, làng Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.
Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 06-3-1948, thực hiện Chỉ thị số 50/CT của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30-10-1950, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.
Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ và đổi tên làng thành xã; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh An Giang.
Về phía chính quyền Cách mạng, tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ), Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh An Giang. Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành X, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tháng đầu là thời kỳ quân quản, với Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị, tỉnh An Giang được lập lại, xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Xã có 6 ấp: Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh, Mỹ Long, Mỹ An (nằm trên cù lao Ông Hổ) và Mỹ Thạnh (nằm trên cồn Phó Ba).
Ngày 23-8-1979, theo Quyết định số 300-CP của Hội đồng Chính phủ sáp nhập xã Mỹ Hòa Hưng của huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên. Xã Mỹ Hòa Hưng có 5 ấp: Thuận Hiệp, Mỹ Khánh, Mỹ Long, Mỹ An, Mỹ Thạnh.
Ngày 01-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên, xã Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xã Mỹ Hòa Hưng có 9 ấp: Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh 1, Mỹ Khánh 2, Mỹ Long 1, Mỹ Long 2, Mỹ An 1, Mỹ An 2, Mỹ Thạnh.
Mỹ Hòa Hưng là một xã cù lao, được hình thành bởi cù lao Ông Hổ và cồn Phó Ba, nằm giữa dòng sông Hậu, ngoại ô thành phố Long Xuyên. Xã có chiều dài 9 km, chỗ rộng nhất khoảng 3,3 km. Về vị trí địa lý, phía Đông giáp xã An Thạnh Trung, Hòa Bình (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu; phía Tây giáp với phường Bình Đức, Bình Khánh được ngăn cách bởi nhánh sông Hậu; phía Nam giáp phường Mỹ Bình, Mỹ Long được ngăn cách bởi nhánh sông Hậu; phía Bắc giáp xã Nhơn Mỹ, Long Giang (huyện Chợ Mới) được ngăn cách bởi sông Hậu. Tổng diện tích tự nhiên 2.128 ha, trong đó diện tích gieo trồng lúa 1.089 ha, hoa màu các loại và cây trồng khác 548,6 ha. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống với quy mô nhỏ như: làm nhang, đan đát, dệt…
- Long Xuyên hai thế kỹ tạo dựng, ba thập niên thăng tiến - (23/10/2020)
- Lịch sử hình thành - (08/07/2020)