Xây dựng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố hướng đến văn minh – hiện đại
Chào mừng bạn đến với Cổng TTĐT TP Long Xuyên
Xây dựng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố hướng đến văn minh – hiện đại
  •  TTCT TP
  •  03/02/2023
  • A- A A+

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố Long Xuyên đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, năng động; nền kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng; thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế thành phố và hiện là đô thị có tỷ trọng thương mại, dịch vụ cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trên 80%). Trong những năm qua, thành phố tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế về lấy thương mại - dịch vụ làm nền tảng then chốt để thúc đẩy các ngành kin h tế khác phát triển.

Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm văn minh, hiện đại, an toàn, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa. Từ năm 2020 đến nay,  lĩnh vực thương mại thành phố có tốc độ phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình hiện đại; hệ thống hạ tầng thương mại đa dạng, hiện đại đứng đầu toàn tỉnh; hiện cơ sở hạ tầng thương mại của thành phố được đầu tư khá đồng bộ và hiện đại, với 02 trung tâm thương mại; 08 siêu thị, 30 cửa hàng tiện lợi và 19 chợ truyền thống (bao gồm: 13 chợ do nhà nước đầu tư và 06 chợ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác; với trên 6.000 hộ tham gia kinh doanh).

Bên cạnh, cùng với sự phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đa dạng, hiện đại, hệ thống chợ truyền thống từ trung tâm nội ô đến các vùng nông thôn không ngừng được xây dựng và phát triển. Công tác kêu gọi đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp và mở rộng hệ thống chợ luôn được quan tâm, chú trọng; đã thực hiện xóa bỏ các chợ, điểm/nhóm tự phát; từng bước hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về chợ và sắp xếp trật tự mua bán hệ thống chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, trao đổi, mua bán hàng hóa, góp phần phục vụ tốt đời sống người dân và thúc đẩy sản xuất hàng hóa địa phương phát triển, đồng thời giải quyết việc làm và cải thiện đáng kể cho một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước tại địa phương.

Để từng bước xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại theo tiêu chí chung của UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2442/QĐ – UBND ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Ban hành Quy định về tiêu chuẩn chấm điểm để công nhận chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại đạt tiêu chí văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang, Phòng Kinh tế đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai kế hoạch chợ, cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn văn minh thương mại trên địa bàn thành phố Long Xuyên, giai đoạn 2022 – 2025; trong đó phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 07 chợ đạt chuẩn văn minh thương mại. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện việc rà soát, tự đánh giá, xây dựng kế hoạch khắc phục các tiêu chí chưa đạt theo lộ trình hàng năm, phấn đấu 04 chợ được công nhận chợ đạt chuẩn văn minh thương mại trong năm 2023. Bên cạnh, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thành phố đã tổ chức chuyển đổi sang doanh nghiệp khai thác, quản lý 08/13 chợ.

 Thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống chợ hướng đến văn minh thương mại, thành phố tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

          Một là, thực hiện tốt công tác mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng mới chợ theo hướng văn minh, hiện đại và tổ chức đấu thầu khai thác, quản lý theo quy định; thực hiện tốt công tác bảo trì, cải tạo nâng cấp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng chợ theo tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn chợ văn minh thương mại của hệ thống chợ trên địa bàn.

          Hai là, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng văn minh thương mại; nghiệp vụ đo lường; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống cháy nổ trong kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý, phát triển chợ và quy định khác có liên quan; xây dựng nền nếp, giao tiếp ứng xử văn minh, không chèo kéo tranh giành khách; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ, không trưng bày hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cho các doanh nghiệp, tiểu thương và người lao động tại các chợ.

Ba là, tích cực triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện tiêu chí văn minh thương mại đối với hệ thống chợ.

Năm là, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại như đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý; gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Sáu là, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện công tác xây dựng chợ đạt tiêu chí văn minh thương mại trên địa bàn thành phố./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang