Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững thành phố Long Xuyên đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045
Chào mừng bạn đến với Cổng TTĐT TP Long Xuyên
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững thành phố Long Xuyên đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045
  •  TTCT TP
  •  21/04/2023
  • A- A A+

Ban Thường vụ Thành ủy Long Xuyên vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 15/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh An Giang đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển thành phố Long Xuyên. Phát triển thành phố Long Xuyên trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Xây dựng, phát triển thành phố Long Xuyên có nền kinh tế đa dạng bền vững, có sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư, có tính cạnh tranh cao trên một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ; phát triển bền vững với môi trường. Quy hoạch thành phố Long Xuyên trở thành đô thị nước thông minh, bảo tồn bản sắc đặc trưng của đô thị sông nước, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đồng bộ, hiện đại, hướng tới đạt chất lượng theo tiêu chí đô thị loại I.

Hiện nay thành phố Long Xuyên có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 11 phường: Bình Đức, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên và 2 xã Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt khoảng 88,0%. Thời gian qua, thành phố đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư và xây dựng đồng bộ, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp và theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những mặt đạt được, quá trình quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị thời gian qua của thành phố vẫn còn còn tồn tại những vấn đề bất cập như: đô thị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; đô thị hóa chưa gắn với chất lượng đô thị; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng còn hạn chế; việc đâu tư xây dựng dàn trải, thiếu đáp ứng với tình hình thực tế và mục tiêu đã đặt ra.

Theo kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh An Giang đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Long Xyên, đến năm 2025 thành phố phấn đấu thực hiện đạt tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt từ 20-25% và đến 2030 đạt 25-30%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 20-25%, đến năm 2030 đạt 26,5%; diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt từ 8-9 m2, đến 2030 đạt trên 10m2; diện tích sàn nhà ở bình quân trên người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2, đến 2030 đạt tối thiểu 32m2; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; đồng thời hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I.

Để thực hiện của mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra, cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp cơ bản sau:

1. Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Tranh thủ sự hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về chính sách an sinh xã hội lĩnh vực nhà ở; hình thành và phát huy hiệu quả quỹ phát triển nhà ở tại đô thị theo quy định; tăng cường chính sách thu hút, mời gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương; đầu tư kết cấu hạ tầng vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng; tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triến nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình và cải tạo, chỉnh trang đô thị.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tích hợp quy hoạch hệ thống đô thị thành phố vào quy hoạch tỉnh để đảm bảo đồng bộ và hiệu quả. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch nhằm đánh giá lại hiện trạng, khả năng thực hiện để có cơ sở đề xuất xóa hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị, đảm bảo yêu cầu quản lý, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng; nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành các đô thị mới. Quản lý quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng quy hoạch tích hợp, bảo đảm phát triển không gian hợp lý, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng lượng, nguồn nước. Gắn kết quy hoạch với kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hằng năm.

3. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ. Phát triển đô thị phù hợp và cụ thể hóa các định hướng phát triển trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Long Xuyên và chương trình phát triển đô thị thành phố Long Xuyên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo tính kết nối giữa các đô thị trong và ngoài tỉnh, gắn kết phát triển đô thị và nông thôn một cách chặt chẽ, bền vững; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chú trọng phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị hiện đại.

4. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đồi khí hậu. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm của thành phố. Xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, các hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả các nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị; triển khai mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lơii xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền tại các đô thị. Xây dựng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành gắn với nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức về quản lý đô thị. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị; chú trọng tạo nhiều không gian văn hóa cộng đồng; hoàn thiện các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trật tự xây dựng trong quản lý đô thị, phù họp với yêu cầu thực tiễn, chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quá trình thực hiện.

6. Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị. Lập và triển khai các chương trình, đồ án trọng điểm phát triển đô thị thành phố Long Xuyên đến năm 2035 để hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I. Thu hút một số tập đoàn lớn có kinh nghiệm đầu tư, tiềm lực tài chính thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm để tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đô thị. Nâng cấp hạ tầng thương mại hiện có và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại đô thị theo hướng hiện đại. Tăng cường quản lý thị trường bất động sản, sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng nhằm tạo nguồn thu cho đô thị./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang