Kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Long Xuyên năm 2022
Chào mừng bạn đến với Cổng TTĐT TP Long Xuyên
Kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Long Xuyên năm 2022
  •  Nguyễn Liên
  •  31/01/2023
  • A- A A+

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh covid – 19, dịch bệnh trên cây lúa diễn biến phức tạp và khó lường, năng suất lúa không ổn định, giá bán bấp bênh; việc khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái là điều kiện tất yếu, giúp nông dân lựa chọn cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân hiện nay.

Trên cơ sở hướng dẫn của Phòng Kinh tế và Hội Nông dân thành phố, năm 2022, Long Xuyên đã có 8/9 phường xã có đất sản xuất nông nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái trên địa bàn (riêng phường Mỹ Phước không có diện tích chuyển đổi nên không xây dựng kế hoạch). Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đẻ giới thiệu và hướng dẫn nhiều mô hình canh tác, chuyển đổi sản xuất hiệu quả, tổ chức tập huấn… để nông dân lựa chọn hướng phát triển như: Đã mở 11 cuộc hội nghị khuyến nông để hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên lúa và cây màu; 04 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau màu và cây ăn quả (120 nông dân tham dự); 02 cuộc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu và cây ăn trái; 01 lớp tập huấn mã số vùng trồng cho các Hợp tác xã. Ngoài ra, thành phố đã thực hiện cấp lại 02 mã code cho vùng trồng xoài, với diện tích 37 ha; tổ chức cho nông dân học tập mô hình công nghệ cao trên rau màu và cây ăn quả.

Trạm Khuyến nông thành phố thực hiện 06 loại mô hình, gồm: Trồng dưa leo theo hướng hữu cơ, diện tích 600m2 (phường Mỹ Thạnh); trồng nấm rơm dạng trụ, diện tích 60m2 (xã Mỹ Hòa Hưng); mô hình trồng 04 loại Nấm bào ngư (Mỹ Thới); mô hình trồng hoa Cát tường theo hướng hữu cơ (Mỹ Thới); nuôi Ốc bươu đồng thương phẩm trong ao đất (Bình Đức); trồng gừng dưới tán cây ăn trái...

Cơ cấu mùa vụ ở thành phố Long Xuyên chủ yếu là lúa 02 vụ, lúa 03 vụ và 02 lúa 01 màu. Vụ Đông Xuân là vụ chính sản xuất lúa với diện tích và sản lượng lớn nhất trong năm. Theo chủ trương của tỉnh, thành phố sẽ giảm dần diện tích sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa; mặt khác vụ Hè Thu có điều kiện sản xuất lúa khó khăn hơn, nắng nóng và thiếu nước dẫn đến năng suất không cao và lợi nhuận đạt thấp.

Tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn quả năm 2022 là 447,68/467,45 ha, đạt 95,77% so kế hoạch; trong đó diện tích chuyển đổi chủng loại cây rau từ đất lúa đạt 25,37 ha, đạt 54,50% so kế hoạch, bao gồm đậu nành rau, đậu bắp Nhật, dưa lưới, rau dưa các loại, ớt...tập trung chủ yếu ở các phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng. Diện tích chuyển đổi sang trồng cây màu trên nền đất lúa đạt 378,2/388,2 ha, đạt 97,42% so kế hoạch, trong đó chủng loại cây màu chuyển đổi chủ yếu mè, sen, bắp các loại .... tập trung tại các phường, xã: Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới. Diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn quả đạt 44,11/29,7 ha, đạt 148,52% so kế hoạch; trong đó chủng loại cây ăn quả chuyển đổi chủ yếu các loại Xoài, Mít, Dâu tằm, Dừa, Ổi,… tập trung ở các phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Quý, Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái, thành phố Long Xuyên đã duy trì chuỗi liên kết tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Quý, Mỹ Phước với Siêu thị Coop–mart, chợ Mỹ Bình, Mỹ Long,… với diện tích 21,13 ha; Tổ hợp tác rau an toàn phường Mỹ Thạnh, với diện tích 3,5 ha; Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, màu, cây ăn quả với Nông trại Ếch ộp tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn cung cấp cho thị trường với diện tích: 5.500 m2 ở Mỹ Quý; 2.000 m2 ở Xã Mỹ Khánh, cung cấp 100 kg rau, củ, quả/ ngày. Tiếp tục phát triển và duy trì chuỗi sản xuất – tiêu thụ dưa lưới theo hướng công nghệ cao.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 25 nhà màng, với diện tích 26.250 m2 sản xuất dưa lưới, rau màu ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ trên địa bàn 06 xã, phường: Mỹ Thạnh, Mỹ Phước, Mỹ Hoà, Bình Khánh, Mỹ Khánh, Mỹ Hoà Hưng; trong đó có 22/25 nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 18.750/26.250. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài Cát chu với Công ty Thuận Phong với diện tích 7,02 ha (15 hộ/7,02 ha/50 ha) trên địa bàn xã Mỹ Hoà Hưng; và chuỗi liên kết trồng Sầu Riêng của Công ty Thuận Phong với nông dân Mỹ Thạnh đã xuống giống 3,4 ha.

Việc chuyển đổi sang rau, màu và cây ăn trái luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo, sở ban ngành tỉnh và thành phố; sự phối hợp tích cực của phòng ban ngành, các trạm sự nghiệp nông nghiệp và UBND 09 xã, phường nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái trên địa bàn thành phố bước đầu được người dân hưởng ứng thực hiện, nâng hiệu quả kinh tế cho người dân; nhưng về lâu dài cần thực hiện chuyển đổi gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản để mang tính bền vững.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang